"Xây dựng điển hình tiên tiến để thúc đẩy phong trào thi đua"

02:07, 17/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nhận định của Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Quang Tòa khi đề cập đến phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ). LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội nghị Điển hình thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ tỉnh lần thứ VII, giai đoạn 2015 - 2020, trong thời điểm CNVC-LĐ và các cấp công đoàn trong tỉnh ra sức thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Quang Tòa.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Quang Tòa.
PV: Xin ông cho biết điển hình tiên tiến có vai trò như thế nào trong phong trào thi đua của các cấp công đoàn hiện nay?
 
Ông Trần Quang Tòa: Điển hình tiên tiến là một trong những nhân tố quan trọng, làm nòng cốt cho các phong trào thi đua. Phong trào thi đua mà không có điển hình tiên tiến, thì phong trào đó không có sức sống. Ngược lại, có điển hình tiên tiến, mà không có phong trào thi đua, thì những điển hình đó cũng không có cơ hội được tôn vinh, nhân rộng, để mọi người biết, học tập và làm theo. Trong công tác thi đua, khen thưởng của công đoàn, việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến được xem là nhiệm vụ quan trọng, được các cấp công đoàn duy trì, tổ chức sôi nổi, đều khắp thời gian qua.
 
Định kỳ 5 năm/lần, LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến để đánh giá kết quả đạt được, xác định khó khăn, tồn tại và đề ra giải pháp khắc phục. Đồng thời tôn vinh, tạo diễn đàn để các ngành, cơ quan, đơn vị chia sẻ, học tập kinh nghiệm xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Mục đích của phong trào thi đua như Bác Hồ đã dạy: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp”, thì phải làm sao để mỗi tập thể và cả dân tộc thành “rừng hoa đẹp”. Như vậy, việc phát hiện, chăm chút “bông hoa đẹp” là để nhân rộng chứ không phải để ngắm, cũng như xây dựng một điển hình tiên tiến không phải là cái đích của phong trào thi đua, mà xây dựng điển hình để nhân rộng, tạo ra được nhiều điển hình tiên tiến thúc đẩy phong trào thi đua liên tục phát triển...
 
PV: Ông cho biết rõ hơn những kết quả đạt được cũng như những mặt còn hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng và biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến trong CNVC-LĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua? 
 
Ông Trần Quang Tòa: Từ sau Hội nghị điển hình tiên tiến trong CNVC-LĐ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VI - năm 2015, các cấp công đoàn đã tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, nhằm phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ CNVC-LĐ trong các lĩnh vực, ngành nghề, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển. Những điển hình tiên tiến, nhân tố tích cực được biểu dương, khen thưởng giai đoạn 2010 - 2015 đến nay tiếp tục phát huy. Tiêu biểu như Công đoàn Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina... 
 
Bên cạnh đó, phong trào thi đua yêu nước còn xuất hiện nhiều nhân tố mới, tích cực trong lao động, sản xuất, công tác, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh. Điển hình như: Anh Đỗ Quang Nghĩa (Văn phòng Tỉnh ủy), Võ Duy Nhất (Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi), Nguyễn Văn Tiên (Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam), Nguyễn Thị Minh Uyên (Công ty CP Đường Quảng Ngãi)...
 
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Có nơi, có lúc phong trào thi đua chưa mạnh, chưa sâu. Việc kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, phát hiện, nhân rộng điển hình ở một số địa phương, ngành, cơ sở còn chậm. Nhiều đơn vị xây dựng điển hình tiên tiến chỉ để tuyên dương, chứ chưa phải để mọi người trông vào mà học tập, phấn đấu vươn lên. Bên cạnh đó, có những điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng xong không nhân rộng được... Điều này làm giảm tác dụng, ý nghĩa của việc biểu dương điển hình tiên tiến.
 
PV: Mục tiêu, nội dung và giải pháp thi đua của LĐLĐ tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025 là gì, thưa ông?
 
Ông Trần Quang Tòa: Từ nay đến năm 2025 là giai đoạn cao điểm tỉnh Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh tiếp tục tạo động lực mới để tỉnh ta thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và CNVC-LĐ vẫn là lực lượng đi đầu. Mục tiêu của phong trào thi đua là “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn lao động”. Từ mục tiêu này, các cấp công đoàn sẽ cụ thể hóa thành các phong trào phù hợp. Trọng tâm vẫn là các phong trào: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, tác phong lao động công nghiệp...
 
Giải pháp tạo động lực thi đua là các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ như: Nhà ở, tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT... Phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức phong trào thi đua. Đó chính là động lực để NLĐ làm việc hăng say.
 
Các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương... Có như vậy, phong trào thi đua yêu nước mới thực sự mạnh về chất, có ý nghĩa thiết thực, góp phần tôn vinh cái hay, cái tốt, đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu...
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
QUANG TUYẾN
 (thực hiện)
 
 
 

.