KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY THƯƠNG binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2020)
Chăm lo người có công với cách mạng

10:07, 27/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 7 về, các cấp, ngành và người dân trên địa bàn tỉnh lại hướng về ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), với lòng tri ân sâu sắc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Không còn người có công khó khăn về nhà ở
 
Trước ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Lê Thị Ginh (94 tuổi), ở thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) có thêm niềm vui khi căn nhà rộng rãi, khang trang của vợ chồng mẹ đã được hoàn thành. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng tặng quà một gia đình người có công trên địa bàn tỉnh. ảnh: Thanh Phương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng tặng quà một gia đình người có công trên địa bàn tỉnh. ảnh: Thanh Phương
Vợ chồng mẹ Ginh có 6 người con, trong đó có 2 người con là liệt sĩ, bản thân Mẹ và chồng là ông Nguyễn Thử (98 tuổi) là thương binh 3/4. Ba người con đã lập gia đình, vợ chồng mẹ hiện sống cùng cô con gái út. Trước đây, gia đình mẹ Ginh từng được hỗ trợ sửa chữa nhà ở từ các nguồn xã hội hóa, nhưng theo thời gian, căn nhà xây dựng từ hơn 20 năm trước đã xuống cấp. Đầu tháng 4.2020, gia đình mẹ Ginh được UBND huyện Tư Nghĩa hỗ trợ 40 triệu đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện, cùng đóng góp của các con và sự ủng hộ của một số mạnh thường quân đã giúp hoàn tất căn nhà mới. “Vợ chồng mẹ đều đã già yếu, căn nhà cũ xập xệ quá, nên mẹ ao ước có căn nhà kiên cố hơn. Giờ thì vui rồi”, mẹ Ginh chia sẻ.  
 
Theo Sở LÐ-TB&XH, thực hiện Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, tỉnh đã nỗ lực, chủ động, có nhiều cách làm sáng tạo, nhằm giúp các gia đình từng bước cải thiện điều kiện về nhà ở. Sau 6 năm thực hiện, toàn tỉnh có hơn 8.400 căn nhà được xây mới và sửa chữa. Những căn nhà mới khang trang đã tạo sự phấn khởi và trở thành nguồn động viên để người có công trong tỉnh khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
 
"Những hộ gia đình người có công có nhu cầu xây dựng và sửa chữa nhà ở phát sinh ngoài đề án, tỉnh cũng đã có chỉ đạo, các huyện tập hợp báo cáo, đồng thời từng địa phương sẽ bố trí kinh phí từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và các nguồn huy động khác để không còn tình trạng người có công khó khăn về nhà ở", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn cho biết. 
 
Triển khai tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa
 
Hơn 3 tháng qua, Hội LHPN xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) thực hiện mô hình “Ấm áp yêu thương” để giúp đỡ, chăm sóc cụ Phạm Thị Bình (95 tuổi), là người có công với cách mạng, ở thôn Liêm Quang. Cụ Bình không có chồng, con. Nhiều năm qua, cụ được người cháu họ chăm sóc nhưng người cháu giờ đã lớn tuổi, hay ốm đau nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Cán bộ, hội viên Hội LHPN xã thay phiên nhau lau dọn nhà cửa, chăm sóc, tắm rửa cho cụ Bình. Hội cũng vận động nhà hảo tâm hỗ trợ cụ Bình số tiền 300 nghìn đồng/tháng. Đây là việc làm mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện nghĩa cử tri ân đối với người có công với cách mạng.  
Căn nhà mới được hoàn thành mang lại niềm vui cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Ginh và con cháu.   Ảnh: Vũ Yến
Căn nhà mới được hoàn thành mang lại niềm vui cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Ginh và con cháu. Ảnh: Vũ Yến
Để thực hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã tập trung chăm lo đời sống cho hơn 50 nghìn người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Các hoạt động chăm sóc đời sống người có công được duy trì thường xuyên; hầu hết người có công và thân nhân đều được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục - đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm... Cả 294 Bà Mẹ VNAH còn sống đều được các tổ chức, cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng chăm sóc đến cuối đời, với mức hỗ trợ hằng tháng từ 1 triệu đồng trở lên. Đời sống của các gia đình người có công từng bước được đảm bảo, mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
 
Hằng năm, tỉnh tổ chức đưa hàng nghìn người có công đi nghỉ dưỡng kết hợp tham quan các danh lam thắng cảnh trong nước. Đến nay, đã có trên 22 nghìn lượt người có công được điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình... Bên cạnh đó, Đề án sửa chữa, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ và công trình ghi công giai đoạn 2021- 2025 cũng vừa được phê duyệt, với tổng kinh phí trên 123 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này sẽ có 25 công trình ghi công cho xã, phường, thị trấn chưa có nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo; 15.964 phần mộ liệt sĩ được tu sửa, nâng cấp...
 
Từ những nỗ lực trong thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hiện toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.
 
Theo ông Lương Kim Sơn, cùng với việc thực hiện chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng, tỉnh còn triển khai nhiều hình thức giúp đỡ các gia đình chính sách vươn lên như tặng sổ tiết kiệm, miễn, giảm học phí cho con em người có công, ưu đãi vốn vay phát triển kinh tế, chăm lo về y tế cho gia đình chính sách, đỡ đầu thương binh nặng... Những việc làm cụ thể, thiết thực đó đã phần nào chia sẻ những mất mát, khó khăn và làm ấm lòng các gia đình, đối tượng chính sách, giúp họ có cuộc sống ngày một ổn định hơn.
 
VŨ YẾN - HIỀN THU
 
Hỗ trợ xây dựng 21 ngôi nhà tình nghĩa
 
Sáng 24.7, Hội CCB tỉnh tổ chức trao kinh phí hỗ trợ làm nhà ở cho 20 đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà. Nguồn kinh phí do Nhóm Từ thiện Chia sẻ của phu nhân Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Trung ương Hội CCB Việt Nam hỗ trợ. Dịp này, Hội CCB tỉnh cũng trao 20 suất quà cho đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh (trị giá 1 triệu đồng/suất).  
 
               X.THIÊN

 

 
 

.