Định hướng phát triển Quảng Ngãi đến năm 2030: Góc nhìn từ các chuyên gia

10:07, 19/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những điểm đổi mới của dự thảo lần này là thể hiện rõ  tầm nhìn chiến lược để phát triển tỉnh trước mắt cũng như lâu dài. Theo đó, tỉnh đưa ra quan điểm phát triển, định hướng mục tiêu đến năm 2030 là phấn đấu có thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân cả nước.
 
PGS.TS Võ Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng: "Quảng Ngãi có đủ điều kiện để bứt phá  trên nền tảng kinh tế tri thức"
 
Thời kỳ chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực, nên tỉnh cần nắm bắt xu thế để vận hành nền kinh tế mới có thể cạnh trạnh. Trong “3 trụ cột” phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường, thì cần phải xác định được những chủ trương lớn, có đường hướng cụ thể, đảm bảo logic với các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo trên cơ sở các nhận định dự báo, tiền đề và thực lực của địa phương. 
 
Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã vươn mình phát triển. Hiện nay, tỉnh có lợi thế lớn từ vị trí trung độ cả nước, trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; có cửa ngõ ra quốc tế với cảng nước sâu; có kết nối giao thông thuận lợi với các vùng lân cận (trong đó có Tây Nguyên và Hạ Lào), có kinh nghiệm trên 10 năm phát triển (2010 - 2020) và quản lý công nghiệp. Đặc biệt là chiều sâu về văn hóa Sa Huỳnh và tài nguyên cảnh quan tự nhiên đặc sắc của Lý Sơn, một tài sản vô giá còn ở dạng tiềm năng đã “đủ chín” để khai thác phục vụ phát triển. Thập niên mới (2020 - 2030) với trình độ phát triển của khoa học công nghệ; năng lực và kinh nghiệm quản lý xã hội, trình độ hội nhập của cộng đồng... Quảng Ngãi có đủ điều kiện để bứt phá bền vững trên nền tảng kinh tế tri thức.
 
GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM): "Các tiêu chí được xây dựng phải có luận cứ khoa học"
 
Mục tiêu đề ra trong dự thảo lần này thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi, thể hiện tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, các tiêu chí được xây dựng phải có luận cứ khoa học. Cần có mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể phản ánh chất lượng sống của người dân; phát triển bền vững; bảo vệ môi trường và đảm bảo giảm thiểu bất bình đẳng xã hội. Mặt khác, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động thì các giải pháp cụ thể cần tương thích và chi tiết hơn. 
 
Trong 3 nhiệm vụ đột phá, thì nhiệm vụ đột phá về  “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” là rất tốt. Tuy nhiên, các định hướng chưa thể hiện nhiều về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vốn đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế tri thức.
 
PGS.TS Lê Tuấn Lộc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Luật TP. HCM: "Phải tiếp tục nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh tốt"
 
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 như định hướng thì tỉnh phải đánh giá nguồn lực và những hạn chế, đặc biệt là cơ hội trong thời gian tới. Nói một cách khách quan, chúng ta không có gì, chúng ta chỉ sử dụng nguồn lực vay mượn từ bên ngoài... thì không thể phát triển và tạo ra bước đột phá như kỳ vọng. Tuy nhiên, nếu Quảng Ngãi tận dụng thời cơ là xu hướng chuyển dịch dòng đầu tư từ Trung Quốc và các nguồn vốn từ các quốc gia phát triển khác, thì đây là cơ hội tốt để phát triển. 
 
Kinh nghiệm của một số thành phố công nghiệp thành công trên thế giới là cơ may đến từ việc đầu tư của một vài tập đoàn lớn làm sức bật cho nền kinh tế. Bài toán này đòi hỏi trong thời gian tới, Quảng Ngãi phải tiếp tục nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh tốt và triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư tạo nền tảng thúc đẩy phát triển.
 
THANH THUẬN 
(thực hiện)
 

.