Lý Sơn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước ngọt trên đảo

10:06, 11/06/2020
.
(Baoqangngai.vn)- Thiếu nước, nước nhiễm mặn là vấn đề nan giải mà huyện Lý Sơn đang gặp phải trong thời gian qua. Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu không có các biện pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước ngọt trên đảo thì không bao lâu nữa, đảo Lý Sơn sẽ  đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt.
Nước mặn uy hiếp "túi nước ngọt" trên đảo 
 
Thời tiết nắng nóng trong thời gian qua kết hợp với nhu cầu dùng nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp quá lớn, người dân tìm mọi cách khai thác nước ngầm, khai thác phục vụ sản xuất lưu lượng lớn không có kế hoạch dẫn đến một số giếng nước trên huyện đảo Lý Sơn đã bị nhiễm mặn trầm trọng. 
 
Theo UBND huyện Lý Sơn, tình trạng thiếu nước, nước nhiễm mặn là vấn đề nan giải mà Lý Sơn đang gặp phải trong thời gian qua. 
 
Qua việc khoan giếng, lắp đặt thiết bị phục vụ quan trắc, kiểm soát trữ lượng, chất lượng nước dưới đất trên địa bàn huyện Lý Sơn, do Sở TN&MT chủ trì thực hiện, kết quả cho thấy chất lượng và trữ lượng nước dưới đất trên địa bàn huyện hiện nay đã suy giảm rõ rệt. Hiện tượng nhiễm mặn dưới đất diễn ra cả chiều ngang và chiều sâu, khiến cho ‘túi nước ngọt’ trên đảo Lý Sơn ngày càng bị thu hẹp. 
 
Nguồn nước ngọt trên huyện đảo Lý Sơn đang bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều giếng nước bị trơ đáy vì thiếu nước
Nguồn nước ngọt trên huyện đảo Lý Sơn đang bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều giếng nước bị trơ đáy vì thiếu nước
 
Theo kết quả quan trắc, ở huyện đảo Lý Sơn hiện nay, diện tích nhiễm mặn trong các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ là 2,0km2 (năm 2016 là 0,5km2) và trong tầng chứa nước khe nứt Bazan là 0,76km2 (năm 2016 là 0,27km2). Khu vực An Vĩnh là nơi có tốc độ gia tăng xâm nhập mặn lớn nhất; tại đây, ranh mặn đã tạo thành lưỡi mặn đi sâu vào đất liền, cách mực nước biển khoảng từ 650- 800m.
 
Đồng thời, điều đáng quan ngại hiện nay, tại huyện đảo Lý Sơn kể từ độ sâu khoảng từ 25m- 38m trở xuống nước dưới đất đã bị nhiễm mặn hoàn toàn; trừ các đồi, núi bazan có chiều sâu nhiễm mặn sâu hơn khoảng 60- 70m. 
 
So sánh với kết quả thi công của các lỗ khoan thi công trong các giai đoạn trước, chiều sâu nhiễm mặn dâng lên từ 10-12m, có nơi lớn hơn 12m, tức là bề dày tầng chứa nước nhìn chung giảm tới khoảng 10m. 
 
Tìm cách cứu nguồn nước
 
Nhu cầu dùng nước cho sản xuất nông nghiệp quá lớn, trong khi nguồn nước ngầm trên đảo đang có nguy cơ cạn kiệt, nhiễm mặn tràn lan nên một số hộ dân tìm mọi cách lén lút khoan, đóng, đào, khai thác, sử dụng nước ngầm tại vườn nhà và tại khu vực đất sản xuất nông nghiệp. Vấn đề này thời gian qua đã gây khó khăn cho công tác quản lý của huyện. 
 
Trước tình hình này, UBND huyện đã thành lập Đội liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm về môi trường, khai thác khoáng sản và nước ngầm trái phép trên địa bàn huyện, nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp khoan, đóng giếng trái phép.
 
Qua số liệu thống kê của huyện Lý Sơn, từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra, Đội liên ngành của huyện đã phát hiện 12 trường hợp khoan, đóng giếng mới với tổng cộng 18 giếng và 3 giếng đóng không xác định được chủ. Ngoài xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm, UBND huyện Lý Sơn còn buộc các chủ giếng phải trám lấp giếng. 
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn, trám lấp các giếng vi phạm là việc làm cần thiết, tuy nhiên tình trạng người dân thiếu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp là có thực tế và việc tìm kiếm nguồn nước ngọt trên đảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất là một bài toán khó. Chính vì vậy, để giải quyết triệt để việc khoan đóng giếng trái phép và có giải pháp quản lý hiệu quả nguồn nước ngọt trên đảo là những vấn đề vô cùng nan giải. 
 
Huyện đảo Lý Sơn cần có giải pháp lâu dài đề đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân trên đảo
Huyện đảo Lý Sơn cần có giải pháp lâu dài đề đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân trên đảo
 
Trước mắt, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước ngọt trên địa bàn huyện trong thời gian tới, mới đây, UBND huyện Lý Sơn đã có văn bản chỉ đạo Mặt trận và các hội đoàn thể huyện; các phòng, ban, đơn vị trực thuộc huyện quán triệt cho cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân các quy định của Trung ương, địa phương trong lĩnh vực tài nguyên nước. 
 
Đồng thời, UBND huyện Lý Sơn cấm các tổ chức, cá nhân tự tiện đào, khoan, đóng giếng mới để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn huyện Lý Sơn. Trường hợp sửa chữa giếng phải có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền xin phép trước khi tiến hành sửa chữa giếng.
 
Các tổ chức, cá nhân đang khai thác nước dưới lòng đất với công suất trên 10m3/ngày đêm phải thực hiện lập hồ sơ xin cấp phép khai thác nước dưới đất gửi Sở TN& MT thẩm định, trình UBND tỉnh cấp phép; khai thác nước dưới lòng đất với công suất từ 10m3/ngày đêm trở xuống phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất tại UBND huyện. 
 
Huyện Lý Sơn cũng khuyến cáo người dân, hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định sẽ bị xử lý theo quy định trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. 
 
Theo ông Đặng Tấn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, thời gian tới, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp khoan, đóng giếng trái phép; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và du khách trong việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước, huyện Lý Sơn sẽ phối hợp với Sở TN& MT trong việc nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng cường trữ lượng nước dưới đất và lưu trữ nguồn nước mưa trên địa bàn huyện.
 
Tình trạng thiếu nước ngọt, nước nhiễm mặn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân Lý Sơn cũng như nhu cầu thiết yếu của khách du lịch khi ra thăm đảo. Chính vì vậy, để Lý Sơn phát triển bền vững trong thời gian tới, chính quyền huyện đảo và các cấp, ngành liên quan cần ưu tiên quan tâm nghiên cứu và tìm hướng giải pháp lâu dài, ổn định nguồn nước ngọt trên đảo.
 
PV- CTV
 

.