Khoan giếng thủ công mùa nắng hạn

09:06, 25/06/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Nắng hạn kéo dài trên khắp địa bàn tỉnh, mực nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng. Đây là thời gian cao điểm các đội thợ khoan giếng vất vả tỏa đi khắp nơi để tìm nguồn nước theo nhu cầu của nhiều hộ gia đình.
Dưới cái nóng gần 40 độ C, ba thợ khoan giếng mồ hôi nhễ nhại rút mũi khoan mệt nhọc đi tìm vị trí khác để tìm mạch nước. Mất công gần 2 ngày trời để khoan thủ công xuống hơn 30m lớp đất đá tại một hộ ở thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) nhưng chưa trúng mạch nước, tốp thợ vẫn chưa thấy tia hy vọng.
 
“Cũng tùy vùng, tùy loại đất đá, và tùy thuộc vào mạch nước nằm ở sâu hay nông. Như vùng Tịnh Phong thì đất đá rất cứng, mạch nước lại nằm sâu, nên phải mất công hơn”- ông Nguyễn Hùng- thợ khoan giếng thủ công với kinh nghiệm 20 năm trong nghề chia sẻ. Nghề này nghe qua thì có vẻ nhiều tiền, nhưng lại lắm gian truân, vất vả.
 
Thông thường, giếng khoan khoảng 20-30m sẽ có nước và tốn mất 1-2 ngày. Nhưng cũng có lúc khoan mất cả tuần xuống độ sâu hơn 50m lại chẳng có nước
Thông thường, giếng khoan khoảng 20-30m sẽ có nước và tốn mất 1-2 ngày. Nhưng cũng có lúc khoan mất cả tuần xuống độ sâu hơn 50m lại chẳng có nước
 
Theo hợp đồng thỏa thuận, cứ mỗi mét khoan thì có giá khoảng 200-300 nghìn đồng. Để khoan một cái giếng có nước ở độ sâu 20m, gia chủ sẽ trả công cho thợ khoan số tiền 2-3 triệu đồng. Thời gian để khoan một cái giếng có độ sâu như vậy là từ nửa ngày đến một ngày.
 
Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào địa chất của từng vùng, nếu gặp vùng đất đá cứng thì khoan giếng 30m tốn từ 1-2 ngày trời. Có giếng khoan mất cả tuần ở độ sâu hơn 50m vẫn không có nước. Và như là luật bất thành văn, dẫu có khoan sâu như thế nào, mà không tìm được nguồn nước thì thợ khoan coi như “trắng tay”, không được trả tiền. Trong những năm làm nghề, không ít lần ông Hùng phải bỏ cuộc.
 
“Khoan sâu đến cỡ hơn 50m mà không có nước thì 80% là không tìm đúng mạch. Có lần, khoan giếng cho một hộ ở Trà Bồng đến 4 ngày trời mà cũng không tìm thấy nước. Dù rất muốn đưa nước về cho khách hàng nhưng đành bất lực bỏ cuộc và chỉ dám nhận tiền hỗ trợ cơm nước.”- ông Hùng chia sẻ về những cái khó của nghề.
 
Khoan giếng thủ công vất vả và tốn thời gian hơn rất nhiều lần so với dùng dàn khoan công nghiệp
Khoan giếng thủ công vất vả và tốn thời gian hơn rất nhiều lần so với dùng dàn khoan công nghiệp
 
Vài năm gần đây, mực nước ngầm vào mùa khô hạn bị tụt giảm nghiêm trọng, nhiều giếng bình thường 20m đã có nước thì nay phải nhờ thợ khoan thêm 5-10m. Thêm vào đó, nhu cầu dùng nước tăng cao, nên thợ khoan giếng lúc nào cũng kín lịch. Hộ gia đình nào muốn khoan giếng mới cũng phải chờ 3-5 hôm mới có thợ làm.
 
Bà Trần Thị Thơm ở phường Lê Hồng Phong cho hay: Hệ thống nước máy của công ty cấp thoát nước đã về đến khu dân phố được 10 năm nay. Nhưng 2 năm gần đây, hóa đơn tiền nước của gia đình bà tăng cao đột biến vào mùa nắng, đến hơn 800 nghìn đồng. “Tiền nước nhiều quá, nhu cầu sử dụng nước lại không hề giảm, nên tôi kêu thợ khoan một cái giếng để dùng cho trồng trọt, sinh hoạt hằng ngày. Còn nước máy thì dùng để nấu ăn và uống. Như vậy thì sẽ lợi hơn rất nhiều”- bà Thơm nói.
 
Với tay nghề vững vàng và kinh nghiệm hơn 25 năm làm nghề khoan giếng thủ công, ông Lê Văn Tám ngụ ở phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi ngày nào cũng có người thuê tìm nguồn nước. Mỗi ngày làm việc của ông là rong ruổi từ đất biển Bình Châu, lên dọc hai bên sông Trà rồi đến tận Trà Bồng, Minh Long… Nhu cầu khoan giếng ở thành phố, vùng nông thôn và khoan giếng cho tưới tiêu cây cối luôn tăng cao vào mùa nóng.
 
Ông Lê Văn Tám- thợ khoan giếng có kinh nghiệm hơn 20 năm đang kiểm tra lại một chiếc giếng
Ông Lê Văn Tám- thợ khoan giếng có kinh nghiệm hơn 20 năm đang kiểm tra lại một chiếc giếng
 
Để đỡ vất vả, nhiều đội khoan giếng đã mạnh dạn đầu tư các dàn khoan trị giá 200-300 triệu đồng. Đồng thời, phải xin giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền khi khoan giếng theo kiểu công nghiệp. Vì thế, những thợ khoan giếng lâu năm vẫn chọn cho mình cách làm vất vả là khoan thủ công để đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình.
 
“Nghề này không làm một mình được, vì vừa hao sức vừa tốn thời gian, rất nặng nhọc. Tiền đầu tư dàn khoan thì nhiều, tôi lại không có điều kiện. Nên tôi vẫn rủ 2-3 người trong xóm đi khoan giếng thủ công. Mùa khô hạn cao điểm, thu nhập của chủ thợ cũng được 1-2 triệu đồng/giếng. Người làm công thì được 300-400 nghìn đồng/ngày”- ông Tám chia sẻ.
 
Làm nghề này cần phải có kinh nghiệm trong việc lựa chọn địa điểm khoan. Nhưng nhiều khi chỉ chệch một tý là không khoan đúng mạch. Vì vậy, qua kinh nghiệm nhiều năm, căn cứ vào các tầng đất mà thợ khoan thường quyết định có tiếp tục khoan hay nên dừng lại đúng lúc. Chính vì thế, những thợ khoan giếng lâu năm thường ví von là những người đi chẩn đoán “long mạch”. Kinh nghiệm, con mắt tỏ tường của họ để tìm đúng nguồn nước không thua gì những máy móc hiện đại.
 
Cuộc sống hiện đại, hệ thống nước sạch ngày càng có mặt ở nhiều nơi. Nghề khoan giếng dần mai một. Nhưng cứ vào mùa nắng hạn, các thợ khoan giếng chuyên nghiệp vẫn cố gắng bám trụ với nghề, tiếp tục lên đường đi tìm những nguồn nước mát.
 
Bài, ảnh: Khả Nhiên

.