Trợ giúp lao động tự do mất việc

02:04, 04/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thì lao động tự do được gọi là “lao động khu vực phi chính thức”. Ngay tên gọi đã nói lên sự bấp bênh, đầy rủi ro của hình thái lao động này.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có khoảng 56 triệu lao động, nhưng chỉ 27% tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, một bộ phận rất lớn lao động sẽ không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội, không được bảo vệ bởi các khung pháp lý.
 
Quảng Ngãi chưa có tổng kết xem số lượng người lao động tự do ở tỉnh mình là bao nhiêu, nhưng con số này chắc chắn không hề nhỏ. Chưa kể, một số lượng rất lớn người lao động quê Quảng Ngãi vào TP.Hồ Chí Minh làm “lao động tự do”, bao năm nay họ cần cù, vất vả làm việc để gửi tiền về quê cho gia đình, nuôi con ăn học, nuôi cha mẹ già yếu không còn khả năng lao động. 
 
Nhiều lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.                     Ảnh: Võ Văn
Nhiều lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: Võ Văn
Với dịch Covid-19 đang phát triển lên đỉnh dịch hết sức nguy hiểm, rất nhiều biện pháp phòng, chống dịch khắc khổ, nhất là ở thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, được tung ra. Thành phố không còn đông vui nữa, các đường phố vắng ngắt, mọi dịch vụ gần như dừng lại hoặc bị xóa bỏ, thực tế ấy đã đẩy những người lao động tự do vào hoàn cảnh không có chọn lựa.
 
Họ không còn sinh kế, cũng không thể “ngồi im” chờ dịch đi qua, vì gần như họ không có dự trữ, cả tiền bạc lẫn lương thực, thực phẩm. Một bộ phận rất lớn người lao động bị mất việc làm, trong đó nhiều nhất là người lao động tự do, phải chọn đường sống duy nhất là trở về quê. Đây không phải là cuộc trở về quê như kiểu “về quê ăn Tết”, đây là về quê vì không thể trụ lại ở thành phố. Đó là cuộc trở về chưa thể hẹn ngày trở lại, vì không ai biết dịch bệnh sẽ tàn lụi vào lúc nào và tàn lụi theo kịch bản nào.
 
Quảng Ngãi, nhất là các vùng nông thôn, đang có hiện tượng tăng dân số đột biến, do những người lao động mất việc làm ở thành phố đổ về quê. Đó là thực tế mà “toàn hệ thống chính trị” phải tìm phương án giải quyết, dù là giải quyết tạm thời.   
 
Về an sinh xã hội cho người dân, Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các địa phương lo cân đối nguồn lực, có kế hoạch hỗ trợ người nghèo, người lao động tự do bị mất việc, người neo đơn cơ nhỡ. Như thế là cả Chính phủ và các địa phương, trong đó có Quảng Ngãi, đều nhận ra sự cấp thiết của an sinh xã hội, đặc biệt chú trọng vào những người thu nhập rất thấp, thành phần người lao động tự do bị mất việc mà không hề nhận được bất cứ sự trợ giúp nào.
 
Ở TP.Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố phải hỗ trợ giúp đỡ người vô gia cư, người bán vé số mà theo người đứng đầu thành phố này, “đó là việc chưa từng có”. Chưa từng có, nhưng nay thì phải làm, nhằm bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho những người dễ bị tổn thương nhất trong thời dịch bệnh gian khó này.
 
Với những người lao động tự do ở Quảng Ngãi và quê Quảng Ngãi bị mất sinh kế, ngoài gói an sinh xã hội mà Chính phủ sẽ công bố trợ giúp, Quảng Ngãi cần tổ chức kêu gọi sự đoàn kết, giúp đỡ của toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp có khả năng tài chính, cùng toàn thể đồng bào trong tỉnh. Đó cũng là hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ về sự đùm bọc, chia sẻ giữa đồng bào với nhau trong khó khăn, một truyền thống đoàn kết cao đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa.
 
THANH THẢO
 
 
 
 

.