Không ai bị bỏ lại phía sau

04:04, 15/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 ngày 9.4.2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, với tổng kinh phí 62.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, nhằm hỗ trợ 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
 
Hiện nay, tỉnh ta đang chủ động triển khai rà soát các nhóm đối tượng, để đảm bảo gói hỗ trợ an sinh xã hội đến tay người dân một cách nhanh nhất.
 
Chủ động rà soát các đối tượng
 
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn cho biết: Vừa qua, Sở đã chủ động rà soát các đối tượng nằm trong diện được Chính phủ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Việc rà soát đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Khi có văn bản chính thức hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện hỗ trợ, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh thực hiện theo đúng quy định.   
 
Hội Chữ thập đỏ TP.Quảng Ngãi hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các đối tượng bảo trợ xã hội.                            ẢNH: PV
Hội Chữ thập đỏ TP.Quảng Ngãi hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các đối tượng bảo trợ xã hội. ẢNH: PV
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có trên 80.000 người nghèo và hơn 94.000 người cận nghèo; hơn 73.000 đối tượng bảo trợ xã hội. Sở cũng đang quản lý hơn 45.700 hồ sơ người có công. Với các mức chi hỗ trợ theo Nghị quyết 42, ước tính riêng các đối tượng này sẽ được hỗ trợ khoảng 310 tỷ đồng.
 
Đối với người lao động (NLĐ) bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động mất việc làm, Sở LĐ-TB&XH đang thống kê theo báo cáo từ các doanh nghiệp trong tỉnh.
 
Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong hơn 2 tháng qua, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn bám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để tuyên truyền, vận động và kiến nghị chính sách hỗ trợ NLĐ.
 
 “Ngay sau khi có hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB&XH triển khai gói hỗ trợ đối với những NLĐ thuộc diện được hỗ trợ. Qua đó giúp NLĐ an tâm, cùng chia sẻ, đồng hành với toàn xã hội vượt qua đại dịch”, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Quang Tòa cho hay.
 
Đảm bảo đúng, đủ đối tượng
 
Bà Phạm Thị Hồng (51 tuổi), tổ 6, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), là đối tượng buôn bán nhỏ, hơn tháng nay không có việc làm cho rằng, bà rất cảm kích trước sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đối với những người yếu thế. Tuy nhiên, hiện bà vẫn chưa biết làm thế nào để đăng ký hưởng gói hỗ trợ này.
 
Ông Lương Kim Sơn cho biết thêm: “Nghị quyết 42 ban hành có một điểm ưu việt là hỗ trợ cho cả người lao động tự do, không có hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đây là nhóm rất khó xác định, do đó cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương nơi quản lý, để thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, tuyên truyền để từng người dân nhận thức và hiểu rõ điều kiện được hưởng, đảm bảo công khai, minh bạch trong từng thôn, tổ dân phố, tạo sự đồng thuận trong người dân, tránh tình trạng so bì và mất công bằng khi triển khai chính sách này”.
 
Thời điểm này, huyện Bình Sơn cũng đang khẩn trương thống kê số lượng hộ nghèo, người lao động thuộc diện được Chính phủ hỗ trợ để phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện. “Hiện địa phương đã triển khai rà soát các đối tượng, nhất là các trường hợp lao động tự do; trong đó yêu cầu cán bộ thôn, tổ dân phố phải đi sâu, đi sát từng trường hợp để đảm bảo đúng, đủ đối tượng”, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Sơn Phạm Công Hiền thông tin.
Hỗ trợ 7 nhóm đối tượng
 
Theo Nghị quyết 42, có 7 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ trong 3 tháng, từ tháng 4 - 6.2020, với các mức hỗ trợ từ 250.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/người/tháng. Cụ thể: Người có công với cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hằng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; NLĐ theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, NLĐ tự do, không có giao kết hợp đồng; hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Người sử dụng lao động khó khăn về tài chính cũng được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho NLĐ.
 

 

VŨ YẾN
 
 

.