Sơn Mỹ điểm đến của hòa bình

08:03, 16/03/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Năm tháng qua đi, mảnh đất Sơn Mỹ đau thương năm nào nay đã hồi sinh. Sơn Mỹ cũng trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách yêu chuộng hòa bình khắp nơi trên thế giới.
Một Sơn Mỹ vị tha, an bình
 
Những ngày tháng 3, màu xanh bao phủ quanh thôn Khê Thuận, quanh khu chứng tích Sơn Mỹ. Bỏ lại những ký ức của vụ thảm sát năm ấy, người dân Sơn Mỹ đã vượt qua nỗi đau, mất mát to lớn để mở vòng tay bao dung tha thứ, chân tình đón tiếp những cựu binh Mỹ tìm về nơi đây như một chốn hành hương.
 
Là nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát, cũng từng giữ cương vị Giám đốc Khu Chứng tích Sơn Mỹ, ông Phạm Thành Công vẫn thường xuyên về với nơi này. Với ông, từng cành cây, ngọn cỏ trong Khu chứng tích gắn những ký ức không thể nào quên.
 
Cha, mẹ và các anh, chị em của ông đã mãi mãi không trở về kể từ ngày 16.3.1968. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cuộc sống đối với ông là cuộc hành trình của lương tri. Mỗi ngày chứng kiến nhiều người Mỹ đến đây sám hối về những tội lỗi trong quá khứ, ông và những người dân ở Sơn Mỹ đã nguôi ngoai nỗi đau của mình.
 
Những nhân chứng của vụ thảm sát Sơn Mỹ và du khách nước ngoài cùng chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Sơn Mỹ
Những nhân chứng của vụ thảm sát Sơn Mỹ và du khách nước ngoài cùng chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Sơn Mỹ
 
Ông Phạm Thành Công bộc bạch: Quá khứ của 52 năm về trước, chúng tôi xin gác lại và luôn hướng đến tương lai là hòa bình, ổn định. Và chúng tôi cũng mong muốn không chỉ Việt Nam mà cả  trên thế giới, đừng để xảy ra chiến tranh nữa.
 
Tình người, tấm lòng vị tha, bao dung luôn thường trực trong tim của mỗi người dân Sơn Mỹ. Ông Lê Thành Tâm ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi chia sẻ: Chuyện đau thương đã qua hơn 50 năm rồi. Hôm nay, khách quốc tế hay người Mỹ đến với Khu chứng tích tham quan rất nhiều.
 
“Chúng tôi luôn đón tiếp họ với tấm lòng thiện chí, hòa bình, bỏ qua những chuyện trong quá khứ. Nhân dân ở đây mong muốn rằng không có sự việc gì trên thế giới xảy ra như sự việc ở Sơn Mỹ vào ngày 16.3.1968 nữa”- Ông Tâm thật lòng mong muốn. 
 
Điểm đến hòa bình
 
Từ là một biểu tượng cho nỗi đau trong chiến tranh, Sơn Mỹ giờ đây đã trở điểm đến của hòa bình, thân thiện và hiếu khách. Mỗi năm, Khu chứng tích Sơn Mỹ đón gần 100 nghìn du khách đến từ gần 100 quốc gia khác nhau. Trong số đó, có không ít những cựu binh Mỹ.
 
Hiện do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, lượng du khách đến Khu Chứng tích giảm nhiều. Nhưng vẫn có những du khách nước ngoài tiếp tục đến với Sơn Mỹ để cùng cảm thông, sẻ chia những đau thương mất mát, cùng chứng kiến sự hồi sinh của Sơn Mỹ hôm nay. Đây cũng là cách để nguôi ngoai những ký ức đau buồn về vụ thảm sát đã cướp đi sinh mạng của 504 thường dân vô tội.
 
Vợ chồng bà  Beck Seillert đến từ Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ: Tôi thấy vùng nông thôn ở Sơn Mỹ rất đẹp. Tôi không biết người dân đã phải nỗ lực thế nào để có thể sinh sống sau khi vụ thảm sát xảy ra nhiều năm trước. Mọi người ở đây rất tốt. Tôi thích người Việt vì họ tốt bụng và hiếu khách.
 
Đã nghe, đã đọc nhiều về Sơn Mỹ nhưng nhiều người vẫn muốn đến đây để tận mắt chứng kiến và chia sẻ nỗi đau của hơn nửa thế kỷ trước. Thấu hiểu nỗi đau của quá khứ là một cách để trân trọng những phút giây hòa bình của cuộc sống hôm nay.
 
Ông Edward Mall - du khách Mỹ bày tỏ: Trước đây, tôi đã đọc rất nhiều tài liệu về Sơn Mỹ. Nhưng phải đi đến tận nơi thế này thì tôi mới thật sự hiểu hơn về chiến tranh ở Việt Nam, nhất là đau thương của nhiều người dân vô tội. Tôi đã đến nhiều nơi, nhưng với mảnh đất này như níu chân tôi. Nơi đây như một cuốn sử sống về chiến tranh Việt Nam. Tôi thật sự khâm phục người dân Việt Nam.
 
Sơn Mỹ hôm nay yên bình, trù phú được phủ xanh bởi ruộng lúa, cây cối bạt ngàn
Sơn Mỹ hôm nay yên bình, trù phú được phủ xanh bởi ruộng lúa, cây cối bạt ngàn
 
Tại khu Chứng tích Sơn Mỹ, có đến hơn 500 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ được trưng bày. Nhất là những hình ảnh trong cuộc thảm sát do chính phóng viên Ronald Haeberle và lính Mỹ chụp lại cảnh các nạn nhân bị lính Mỹ sát hại, mà chủ yếu là trẻ em, phụ nữ và người già. Bất cứ ai nhìn vào những tấm ảnh ấy đều có cảm xúc mạnh.
 
Và hàng trăm nghìn du khách đến Khu Chứng tích cũng không phải vì muốn khơi lại những nỗi đau trong quá khứ. Họ đến với Khu Chứng tích như một cuộc hồi hương, như một hành trình tìm đến với hòa bình, để chia sẻ nỗi đau với người dân Sơn Mỹ.
 
Tháng Ba, biển Mỹ Khê xanh biếc vỗ về. Ngư dân Tịnh Khê vẫn giong thuyền ra khơi bám biển mỗi ngày. Trên những cánh đồng làng, người nông dân luôn tay liềm, tay cuốc cần mẫn chăm sóc các ruộng lúa, rau màu.
 
Màu xanh của sự sống đâm chồi, nẩy lộc trên từng bờ tre, góc xóm. Người dân Sơn Mỹ đã tươi cười vẫy tay, nói "hello" với du khách quốc tế ghé thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ…
 
Bài, ảnh: Khả Nhiên

 


.