Dìu nhau qua bão giông cuộc đời

02:02, 13/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Anh và chị đều là những người khuyết tật. Dẫu vậy, hạnh phúc đã mỉm cười với họ, khi hai mảnh ghép khiếm khuyết ấy tìm thấy nhau để cùng san sẻ, dìu nhau vượt qua sóng gió cuộc đời. Anh là chàng trai khiếm thị Phan Tú Anh (40 tuổi), quê ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), còn chị là Hồ Thị Lệ Huyền (32 tuổi), quê ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa).
Nỗ lực vươn lên
 
Từ khi mới lọt lòng mẹ, anh Tú Anh đã mắc bệnh thoái hóa võng mạc, nên thị lực giảm dần và mất hẳn theo thời gian. Nỗi đau dần mất đi ánh sáng vẫn còn đó, thì những năm học cấp 2, anh Anh lại chịu cú sốc về tinh thần, khi lần lượt mất cả cha và mẹ. “Năm tôi lên 10, thị lực chỉ còn khoảng 40%. Năm đó, ba tôi bị bệnh rồi mất và ba năm sau mẹ tôi cũng ra đi. Thời điểm ấy tôi hụt hẫng và chênh vênh lắm, chỉ biết nỗ lực đi học để được gặp bạn bè, gặp mọi người để nguôi ngoai nỗi đau”, anh Tú Anh trải lòng. 
 
Tổ ấm hạnh phúc của anh Tú Anh và chị Huyền.
Tổ ấm hạnh phúc của anh Tú Anh và chị Huyền.
 
Thị lực mất dần theo thời gian khiến việc học tập của anh bị ảnh hưởng nhiều. Để học cùng lớp với những bạn bè bình thường khác là cả một sự nỗ lực phi thường của bản thân anh. Đến năm 2001, anh tốt nghiệp THPT. Thời điểm đó, thị lực của anh chỉ còn 10%, nên việc học tiếp vào đại học, cao đẳng là điều không thể. Vì thế, anh tìm cách tự nuôi sống bản thân.
 
Anh Tú Anh chia sẻ: "Ba mẹ tôi mất sớm. Các anh chị có gia đình riêng, nên tôi cố gắng tự lập để không là gánh nặng của người thân. Tôi có năng khiếu hát, nên thường xuyên đi hát ở phòng trà để kiếm thêm thu nhập. Đến năm 2013, tôi vay vốn ngân hàng để xây ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất gần 40m2 của ba mẹ để lại và dành mặt tiền để cho thuê, trả tiền vay. Cách đây 4 năm, khi bị mù hẳn, tôi đi học lớp massage, bấm huyệt dành cho hội người mù. Dù thu nhập từ nghề này chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, nhưng cũng giúp tôi lo được cho bản thân".
 
Còn chị Huyền, cô gái không may mắn bị khuyết tật về nói, nhưng chưa bao giờ chị buông xuôi, mà luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Dù phát âm khó khăn, nhưng năm 2006, chị cũng tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào Trường Đại học Tài chính - Kế toán. Kết quả học tập khá tốt, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chị Huyền đành phải ở nhà lao động, tự nuôi sống bản thân.“Sau khi nghỉ học, tôi xin đi làm ở cơ sở ép dầu. Sau hơn một năm đi làm có chút tiền để dành, tôi mở tiệm tạp hóa nhỏ và tiện cho việc chăm sóc người cô bị tâm thần”, chị Huyền cho hay.
 
Dìu nhau bước đi
 
“Tôi thì không nhìn thấy được gì, nên cũng ngại gặp gỡ, giao tiếp với người khác, cứ làm xong việc là về nhà. Mãi đến năm 2017, trong một lần gặp gỡ những người bạn trong hội khuyết tật, tôi mới biết đến Huyền”, anh Tú Anh nhớ lại.
 
Anh Tú Anh chẳng thể nhìn thấy khuôn mặt chị Huyền, còn tiếng nói của chị Huyền lại không thể làm anh Tú Anh hiểu chị hơn. Thế nhưng, khi gặp nhau, họ lại nhanh chóng đồng cảm với nhau.
 
Nắm tay người bạn đời của mình, anh Tú Anh dịch những âm thanh từ chị Huyền: "Chúng tôi đều là những người không may mắn. Thế nên, đến với nhau không phải từ “tiếng sét” hay “cái nhìn đầu tiên”, mà bằng tình thương cảm và cứ thế tình yêu lại nảy nở và mỗi ngày một lớn dần thêm. Cả hai chúng tôi đã từng rất cô đơn nên từ khi gặp và lấy nhau, cuộc đời bỗng trở nên tươi đẹp, hạnh phúc hơn rất nhiều".
 
Năm 2018, anh Tú Anh và chị Huyền kết hôn. Đến tháng 7.2019 thì thiên thần nhỏ Phan Hồ Tâm Ngọc của vợ chồng anh chị chào đời. Bé Tâm Ngọc khỏe mạnh, xinh xắn là động lực to lớn để anh chị cùng bước đi vững vàng, mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
 
Bài, ảnh: HIỀN THU
 
 
 

.