Tết ở những làng ly hương

10:01, 31/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày giáp Tết, không khí tại các làng ly hương trở nên rộn ràng, đông vui hơn hẳn ngày thường. Bởi sau một năm tất bật mưu sinh nơi đất khách, quê người, mọi người lại trở về quê nhà sum họp cùng gia đình thân thương.
Niềm vui sum họp
 
Thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường (Đức Phổ) những ngày cuối tháng Chạp đông đúc, nhộn nhịp hơn thường lệ. Bởi đây là thời điểm mà hơn 300 hộ gia đình có người thân rời làng đi lập nghiệp tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước tập trung về lại quê hương để đón Tết cùng gia đình. 
Niềm vui sum họp gia đình của anh Nguyễn Duy Thành, ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).
Niềm vui sum họp gia đình của anh Nguyễn Duy Thành, ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).
Chia sẻ niềm vui sum họp, ông Nguyễn Khanh vui mừng bảo: “Nhà có 5 người con thì cả 5 đứa đều làm việc ở TP.Hồ Chí Minh. Vì vậy, hơn chục năm qua, bây giờ, nhà tôi mới có một Tết đoàn viên đúng nghĩa, khi các con đều sắp xếp được công việc để cùng về nhà ăn Tết. Chứ mọi năm, đứa này về, thì đứa kia vướng công việc, bận con nhỏ... Thành thử gia đình rất khó có một cái Tết trọn vẹn”.
 
Còn tại làng Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), những ngày giáp Tết là thời điểm đoàn viên của hàng trăm gia đình có con em xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc làm ngư dân. “Tết Nguyên đán của Việt Nam trùng với thời gian “nghỉ biển” của Hàn Quốc. Trong thời gian “nghỉ biển”, tất cả các tàu thuyền đánh bắt hải sản bên ấy đều không được ra khơi, nên tôi được chủ tàu tài trợ vé máy bay để về quê”, anh Nguyễn Duy Thành chia sẻ.
 
Rưng rưng khi gặp lại cha sau nửa năm xa cách, cháu Nguyễn Thị Kim Anh, 10 tuổi, con gái ngư dân Nguyễn Duy Thanh nghẹn ngào: “Cháu lúc nào cũng mong đến Tết. Không phải vì sẽ được mẹ mua đồ mới, mà vì để được gặp ba. Bởi từ khi ba đi, cháu chỉ được nhìn thấy ba qua điện thoại”.
 
Đi vì những cái Tết đủ đầy
 
Thay vì tập trung sắm sửa bánh mứt, quần áo Tết cho con như bao gia đình khác, chị Nguyễn Thị Kim Chí, ở thôn Phước Mỹ, xã Đức Hòa (Mộ Đức) lại tranh thủ những ngày cuối năm mua sắm đồ dùng học tập, cùng nhu yếu phẩm cho gia đình. “Cả năm mới về quê một lần vào dịp Tết, nên vợ chồng tôi phải lo mua gạo, kiểm tra bóng điện, thiết bị điện... để xem cái nào hư thì sửa cho con. Chứ ở nhà toàn người già và trẻ nhỏ, không kham được những việc ấy”, chị Chí bộc bạch.
 
Gửi hai con lại quê nhà cho cha mẹ, chị Chí cùng chồng khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh kiếm sống. Chồng chị Chí là anh Hiền mưu sinh hơn 15 năm nay ở thành phố nhờ với nghề bán kem dạo, còn chị thì vừa ly hương hơn hai năm nay để bán bún ở chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10. “Chẳng ai muốn xa con, nhưng vì ở quê, tôi chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng, còn thu nhập của chồng lại không đủ để trang trải khi con mỗi ngày một lớn, thành thử tôi đành để con ở quê tự lập học hành, còn mình thì Nam tiến”.
 
Tâm sự về những vất vả, cơ cực nơi xứ người, ngư dân Trần Văn Lợi, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) hiện đang xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc trầm ngâm: “Làm ngư dân tại Hàn Quốc, chúng tôi phải tuân thủ giờ giấc rất nghiêm ngặt. Mỗi tháng, ngư dân chúng tôi đi biển 2 phiên, mỗi phiên kéo dài 12 ngày; 6 ngày còn lại, dù về đất liền, chúng tôi cũng làm việc chứ không được nghỉ. Cực nhất là vào mùa đông, khí hậu bên ấy lạnh lắm, mình ở Việt Nam nắng ấm quen rồi, nên phải mất một thời gian dài mới thích nghi được. Nhưng bù lại, mỗi tháng, tôi gửi về được cho gia đình gần 30 triệu. Tết về thì có tiền cho con sắm sửa quần áo, có tiền mua thuốc bồi bổ cho ba mẹ”.
 
Vất vả trăm bề, nhưng những người Quảng xa quê luôn chịu thương, chịu khó lao động và dành dụm để vun vén, chăm lo cho con học hành, để gia đình được đón những cái Tết sung túc, đầm ấm hơn.
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 
 

.