Từ khởi nghiệp đến thành công

10:12, 02/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Để khởi nghiệp, bạn cần phải trả lời câu hỏi: “Tại sao thị trường cần mình, sản phẩm của mình giải quyết được vấn đề gì của thị trường?”. Muốn khởi nghiệp cần phải có nền tảng kiến thức về kinh doanh, nhất là marketing, sale. Ngoài ra, phải có tinh thần, khát vọng thực hiện đam mê của mình”, đó là chia sẻ của anh Võ Tiến Dũng (1977), phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), hiện là Giám đốc Trung tâm Anh ngữ AMA Quảng Ngãi.
Rẽ lối tìm hướng đi mới
 
"So với các thành phố lớn, những năm trước, học sinh, sinh viên Quảng Ngãi có kỹ năng đọc, viết tiếng Anh khá tốt, nhưng kỹ năng nghe, nói còn kém. Vì thế, khi vào đại học, đây là một trong những rào cản với nhiều sinh viên Quảng Ngãi. Sau khi ra trường, trải qua nhiều công việc và về quê làm việc tại một công ty ở KKT Dung Quất, tôi nhận thấy câu chuyện học tiếng Anh ở quê vẫn như vậy. Khi con học lớp 8, tôi giật mình nhận ra, mình phải làm một điều gì đó cho con và những đứa trẻ khác để cải thiện các kỹ năng học tiếng Anh. Đó là động lực lớn nhất từ câu chuyện của chính bản thân và con mình để tôi từ bỏ công việc đang làm, tìm hướng đầu tư trung tâm anh ngữ", anh Dũng kể lại. 
Anh Võ Tiến Dũng cùng các cộng sự của mình.
Anh Võ Tiến Dũng cùng các cộng sự của mình.
Sau khi tìm hiểu về thị trường, cũng như khảo sát mô hình dạy tiếng Anh tại các thành phố lớn, AMA là hình thức đào tạo mà anh Dũng nhận thấy phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn cho người học, nhất là trẻ em. Anh Dũng cho biết: “Một trong những điều khiến trẻ sợ tiếng Anh, dẫn đến thiếu tự tin, chính là kỹ năng nghe và nói tiếng Anh. 
 
Để cải thiện vấn đề này, mô hình học chủ động “Face to Face” (mặt đối mặt), sẽ hiệu quả hơn mô hình học truyền thống. Với những lớp học truyền thống, thường chỉ có những trẻ học giỏi hay phát biểu, thì với Face to Face bắt buộc trẻ phải thực hành các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh với giáo viên.
 
Còn dưới góc độ kinh doanh, mô hình cũ đòi hỏi phải đủ sĩ số mới mở lớp, trong khi với mô hình mới không cần đủ số lượng, trẻ vẫn có thể học theo từng nhóm kỹ năng riêng để giáo viên kiểm tra đầu vào, theo dõi quá trình học, chỉnh sửa phát âm và ngữ pháp cho học viên. Vì thế, năm 2015, tôi thực hiện nhượng quyền hoạt động của AMA tại Quảng Ngãi”.
 
Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Anh ngữ AMA thứ hai ra đời. Ngoài ra, trên nền tảng của chương trình, nguồn nhân lực đã có, anh Dũng cùng với cộng sự viết nên mô hình hoạt động mới BIS. Sau đó, anh Dũng đầu tư vào mô hình dạy học tiếng Anh này, giúp nhiều trẻ được tiếp cận với việc học tiếng Anh hiện đại, nhất là với những trẻ thuộc nhóm gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp.
 
Chú trọng quản trị và nhân lực
 
Một trong những cách giúp anh Dũng xây dựng thành công phương pháp quản trị tại các trung tâm anh ngữ của mình, đó là mày mò nghiên cứu, học hỏi từ mô hình của những tập đoàn lớn. Để quản lý 4 trung tâm, anh Dũng áp dụng mô hình hoạt động giao quyền quản lý và quyết định tại mỗi trung tâm.
 
Để làm được điều này, trong quá trình làm việc, phát hiện người có năng lực rồi giao việc dần dần để rèn luyện, đào tạo tại chỗ, chọn người phù hợp, tâm huyết với công việc, có năng lực quản lý. Ngoài ra, áp dụng phần mềm quản lý giáo dục hiện đại để quản lý học sinh, giáo trình điện tử, chấm điểm điện tử...
 
Theo anh Dũng, con người vẫn là nhân tố quyết định, phải tương tác với nhau, nhưng việc thay đổi tư duy làm việc theo hướng tích cực và ứng dụng các phần mềm hiện đại trong thời đại 4.0 là một điều quan trọng để vận hành hệ thống hoạt động hiệu quả.
 
Từng trải qua nhiều công việc, anh Dũng chia sẻ, vấn đề quan trọng đầu tiên của khởi nghiệp là tài chính. Tuy nhiên, đây không phải điều khó nhất, bởi khi có ý tưởng tốt, dự án khả thi thì các ngân hàng, nhà đầu tư sẽ hỗ trợ để thực hiện. Điều khó nhất với khởi nghiệp, đó chính là đội ngũ nhân sự, nhất là giai đoạn đầu tiên, xác định phải đào tạo nhân sự liên tục. Để làm được điều đó, anh Dũng đã phải thuyết phục nhân sự tin tưởng vào tầm nhìn, mục tiêu ngắn và dài hạn của mình.
 
Bài, ảnh: BẢO HÒA
 

.