Lòng người thảo thơm

09:11, 10/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gần 10 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, thầy giáo Bùi Quang Thuận, chủ Cơ sở Chăm sóc - Giáo dục trẻ khuyết tật Hiếu Thuận, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), không chỉ là người thầy mà còn là người thân, người bạn tâm giao của các em nhỏ.

Làm bạn với học trò

“Bây giờ là buổi gì?”, thầy Thuận hỏi. Cậu học trò đáp “Dạ, buổi sáng”. “Không, bây giờ là buổi trưa”, thầy nhắc và hỏi tiếp: “Vậy sau buổi trưa là buổi gì vậy con?”, “Dạ, buổi sáng”. Người thầy cười: “Là buổi chiều chứ”. Nói đoạn, thầy xoa đầu cậu học trò nhỏ động viên. “Trẻ tự kỷ có trí nhớ rất tốt, tuy nhiên trẻ học một chỉ biết một, khả năng phát triển tư duy hạn chế, vì thế mình phải kiên trì dạy bảo các em", thầy Thuận chia sẻ.
 Thầy Bùi Quang Thuận trong một buổi học can thiệp sớm với trẻ tự kỷ.
Thầy Bùi Quang Thuận trong một buổi học can thiệp sớm với trẻ tự kỷ.
Cậu bé "buổi sáng" ấy có tên là D, năm nay 9 tuổi. Thầy Thuận cho biết: D đã tiến bộ nhiều so với ngày đầu nhập học. Hai năm trước khi được gửi đến trung tâm, D thường la hét, tự cắn vào tay mình và đánh bạn. Sau thời gian giáo dục can thiệp sớm, D cải thiện rõ rệt trong việc kiểm soát hành vi. Việc giáo dục cho trẻ tự kỷ được tổ chức theo hình thức một thầy - một trò. “Mỗi trẻ có một nhu cầu, năng lực, sở thích riêng nên việc giáo dục các em cũng khác nhau. Điều quan trọng là phải xem trẻ như người bạn, tạo hứng thú cho trẻ, để các em chủ động thì việc dạy mới hiệu quả”, thầy Thuận cho biết.

Không chỉ dạy học, thầy Thuận còn kiêm luôn bảo mẫu, bởi nhiều em không làm chủ được hành động, tiểu tiện, đại tiện ngay trong lớp, thậm chí các em còn đánh cả thầy giáo. "Riết rồi cũng quen, mỗi lần như vậy càng thấy thương các em hơn", thầy Thuận bùi ngùi.

Đong đầy tình yêu thương

Bé N.G.H (3 tuổi) bị tự kỷ, được bố mẹ đưa đến học tại Cơ sở Chăm sóc - Giáo dục trẻ khuyết tật Hiếu Thuận hơn một năm nay. Tuy nhiên, sau đó bố mẹ H định cho em nghỉ học vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Để H được tiếp tục đến lớp học, thầy Thuận đã giảm học phí cho em. “Nhiều trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhìn trẻ nghỉ học mình không đành lòng",  thầy Thuận bộc bạch.

Thầy Thuận là người Quảng Trị. Sau khi học xong đại học ngành giáo dục đặc biệt tại Trường Đại học Quy Nhơn, anh về công tác tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi được 5 năm. Năm 2017, anh Thuận xin nghỉ việc và mở cơ sở giáo dục dành cho trẻ khuyết tật. “Quảng Ngãi có trên 8.000 trẻ khuyết tật, nhưng các trung tâm giáo dục dành cho trẻ khuyết tật chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Mình muốn trẻ khuyết tật có thêm cơ hội được học tập và hòa nhập với cộng đồng”, thầy Thuận cho biết.

Với tình thương dành cho trẻ khuyết tật đã giúp Thuận vượt qua mọi khó khăn. Cô Tạ Thị Anh, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), đã cho thầy Thuận thuê 1.000m2 đất cùng hai dãy phòng cấp 4 với giá thấp, để mở rộng cơ sở. Từ một cơ sở nhỏ với 3 giáo viên và gần 15 học sinh, đến nay cơ sở Hiếu Thuận có 8 giáo viên và hơn 50 học sinh khuyết tật. Hầu hết các trẻ khuyết tật học tại cơ sở Hiếu Thuận hoà nhập tốt với cuộc sống. Đây chính là động lực giúp thầy Thuận cùng các thầy cô giáo vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục đồng hành cùng trẻ khuyết tật.

Thầy Thuận quan niệm: "Yêu thương là cho đi". Bởi vậy, người thầy với tuổi đời chỉ vừa chớm 30 này quyết tâm nâng đỡ cuộc đời những trẻ thơ còn khiếm khuyết, để nơi đây luôn là sự khởi đầu đẹp nhất cho các em.

Bài, ảnh: XUÂN HIẾU



 

.