Giúp công nhân yên tâm lao động sản xuất

09:09, 24/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi hiện có 1 KKT, 4 khu công nghiệp (KCN) và 15 cụm công nghiệp (CCN) ở các địa phương. Tổng số lao động làm việc ở KCN Phổ Phong, Quảng Phú, Tịnh Phong, Đồng Dinh và KKT Dung Quất khoảng 38 nghìn người. Đó là chưa tính số lao động làm việc tại các CCN. Vì vậy, việc hỗ trợ cho con của công nhân làm việc ở các KCN, CCN đang là vấn đề cần được quan tâm.
TIN LIÊN QUAN

Lao động làm việc ở các KCN, CCN có độ tuổi trung bình từ 18 - 36 chiếm 69%. Đây là lực lượng có nhiều đóng góp ở các nhà máy, xí nghiệp và cũng là độ tuổi trong thời kỳ sinh đẻ. Tuy nhiên đến thời điểm này, chưa có nhà trẻ công nào xây dựng trong các KCN, CCN hoặc doanh nghiệp đầu tư xây nhà trẻ phục vụ con em người lao động (ngoài Trường Mầm non Ước mơ Doosan dành cho con em là người lao động trong công ty này). Vì vậy, công nhân có con nhỏ phải gửi nhà trẻ tư, với giá khá cao so với thu nhập của họ.
Một nhóm trẻ tư thục tại địa bàn KKT Dung Quất.
Một nhóm trẻ tư thục tại địa bàn KKT Dung Quất.

Vợ chồng chị T.T.T.V, quê ở Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), là công nhân tại KCN Tịnh Phong. Vì có con nhỏ, nên vợ chồng chị V chọn phòng trọ ở gần KCN để thuận tiện cho việc đi làm. Chị V cũng như bao công nhân khác phải gửi con ở nhà trẻ tư, với giá gần 1 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sự an toàn cho con. “Gần đây có nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra, tôi cũng rất lo. Hơn nữa, điều kiện cơ sở tại các nhà trẻ tư còn hạn chế, nhưng do điều kiện gia đình, nên phải chấp nhận”, chị V chia sẻ.

Tại kỳ họp giữa năm 2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập, tư thục tại khu vực KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, nhằm hỗ trợ phần nào khó khăn trong việc chăm sóc con của công nhân đang lao động tại các KCN, nhưng không gửi được con ở các nhà trẻ công lập.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho biết: “HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết hỗ trợ cho các nhà trẻ tư thục trong khu vực KCN. Nguồn kinh phí tuy không lớn, nhưng có tính chất khuyến khích tư nhân mở các nhà trẻ trong khu vực KCN, để công nhân yên tâm lao động sản xuất”.

Điều kiện được hưởng hỗ trợ là các nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực KCN được kiện toàn, thành lập mới, đủ điều kiện được cấp phép hoạt động theo quy định của Bộ GD&ĐT; có trông giữ tối thiểu 50% số trẻ dưới 36 tháng tuổi là con của công nhân lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh và có cam kết thời gian hoạt động tối thiểu là 3 năm. Mức hỗ trợ một lần 35 triệu đồng đối với cơ sở có nhóm trẻ số lượng từ 7 - 30 trẻ; 50 triệu đồng đối với cơ sở có số lượng trên 30 trẻ.

Sở GD&ĐT hiện đã tiến hành khảo sát 36 cơ sở giữ trẻ trong khu vực KCN. Tuy nhiên, chỉ có 10 cơ sở đủ 3 tiêu chí được hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. “Sau khảo sát, đợt này, toàn tỉnh có 10 cơ sở được nhận hỗ trợ. Trong đó không có cơ sở nào đạt mức hỗ trợ 50 triệu đồng/lần mà chỉ được hỗ trợ 35 triệu đồng/lần”, ông Phu cho biết.

Quảng Ngãi bước đầu thực hiện việc chăm lo giáo dục mầm non cho con em tại các KCN. Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành cũng cần quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động trong việc chăm lo cho con công nhân, người lao động.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 

.