Bổ sung nguồn nước ngầm cho đảo Lý Sơn: "Bài toán" đang có lời giải

03:09, 08/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ý tưởng đưa nước mưa từ mái nhà xuống lòng đất đang được ngành TN&MT tỉnh đề xuất được coi là giải pháp bền vững trước thực trạng nguồn nước ngầm ở đảo Lý Sơn ngày càng cạn kiệt.

TIN LIÊN QUAN

Đề xuất này được đưa ra dựa trên báo cáo nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ bổ sung nhân tạo đảo Lý Sơn”, do Sở TN&MT phối hợp với Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung thực hiện.

Gom nước mưa để tạo nguồn nước ngầm

Theo báo cáo trên, nước mưa là nguồn nước duy nhất có thể dùng để bổ sung nhân tạo nước ngầm cho huyện đảo Lý Sơn. Việc bổ sung sẽ được thực hiện theo quy trình khá đơn giản, đó là nước mưa thu gom từ các mái nhà sẽ được đưa xuống đất thông qua các lỗ khoan hấp thụ.

 Hầu hết các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trên đảo Lý Sơn đều sử dụng từ nguồn nước ngầm.
Hầu hết các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trên đảo Lý Sơn đều sử dụng từ nguồn nước ngầm.

Sở TN&MT đã tiến hành khảo sát, xác định 100 vị trí có thể thi công công trình thu gom nước mưa, gồm 70 cơ quan, trường học và 30 nhà dân trên đảo. Với tổng diện tích có thể thu gom nước mưa tại nhà dân khoảng 30m2, tại cơ quan hành chính khoảng 240m2; các công trình này sẽ thu gom khoảng 1.561m3/ngày (với lượng mưa trung bình năm là 1.700mm/năm và có 70 ngày mưa/năm).

Theo số liệu điều tra hiện trạng khai thác thuộc dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam - đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi” năm 2016, thì tổng lượng nước khai thác trên đảo là 1.550m3/ngày. Như vậy, với tổng lượng nước bổ sung nhân tạo như trên, thì đảo Lý Sơn sẽ tránh được tình trạng suy giảm mực nước và nhiễm mặn nguồn nước.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT) Nguyễn Biện Như Sơn, từ kết quả điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ bổ sung nhân tạo đảo Lý Sơn, Sở TN&MT đang thực hiện thủ tục xin vốn trình UBND tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện hơn 6 tỷ đồng. Đây được xem là giải pháp có chi phí đầu tư không lớn, nhưng cơ bản giải quyết được “bài toán” nước ngầm tại Lý Sơn.

Cần sớm triển khai

Theo đánh giá của Sở TN&MT, do vị trí địa lý và địa hình trên đảo Lý Sơn chỉ có các dòng chảy tạm thời vào mùa mưa, nên nước mặt không có khả năng khai thác để phục vụ người dân trên đảo. Chính vì vậy, từ trước đến nay, toàn bộ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của gần 20.000 người dân trên đảo và du khách gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm.

Người dân khai thác nước ngầm quá mức, dẫn đến mực nước ngầm tại một số khu vực trên đảo Lý Sơn đã suy giảm nghiêm trọng và tạo thành 2 phễu hạ thấp mực nước: Phễu hạ thấp mực nước thứ nhất nằm ở khu vực trung tâm đảo Lớn, ở thôn Tây, xã An Hải, với đường kính 850m và hạ thấp từ 2 - 16m so với mực nước biển; phễu hạ thấp mực nước thứ 2 nằm ở khu vực rìa phía nam của đảo Lớn, với đường kính 950m và hạ thấp từ 4 - 11m so với mực nước biển. Hiện, đường kính phễu đang ngày càng mở rộng và tại trung tâm của phễu, mực nước có xu hướng ngày càng hạ thấp.

Nước ngầm tụt giảm kéo theo tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng theo cả chiều ngang và chiều sâu, khi ranh giới nhiễm mặn đã lấn sâu vào đất liền khoảng 100 - 500m và độ sâu khoảng 25 - 38m trở xuống, nước ngầm trên đảo đã bị nhiễm mặn hoàn toàn.

Trước thực trạng suy kiệt nguồn nước ngầm trên đảo Lý Sơn, việc tăng cường trữ nước ngầm và dùng các biện pháp kỹ thuật chuyển nước mưa thành nước ngầm cần được quan tâm đầu tư theo diện cấp bách, nhằm bảo vệ bền vững nguồn nước ngầm trên đảo.

Phương pháp gom nước mưa tạo nguồn nước ngầm là khả thi

Trưởng phòng Tài nguyên nước – Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT) Nguyễn Biện Như Sơn cho biết: Việc bổ sung nhân tạo cho nước ngầm đã được nhiều quốc gia áp dụng trong nhiều thập kỷ qua. Có nhiều phương pháp bổ sung nhân tạo nước ngầm, như nước thẩm qua đáy sông, thu gom nước mưa, ép nước qua lỗ khoan lộ thiên, điều tiết dòng chảy. Tuy nhiên, căn cứ theo tình hình thực tế địa hình, địa chất tại Lý Sơn, thì phương pháp gom nước mưa là phù hợp nhất.

 

Bài, ảnh: Ý THU


.