Video: Vợ chồng khuyết tật dọn rác "cứu biển"

09:08, 31/08/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Trên từng ngõ xóm thông thoáng, sạch đẹp ở thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn) hôm nay ghi dấu hình ảnh một đôi vợ chồng khuyết tật lặng lẽ, âm thầm len lỏi trong từng ngõ ngách để thu gom đủ các loại rác thải, vận chuyển về nơi tập kết. Công việc hằng ngày của vợ chồng ông Lê Văn Sơn, 54 tuổi là tấm gương sáng để nhân lên những việc làm tử tế, bảo vệ môi trường ở vùng quê.
 
 Dọn rác là niềm vui
 
“Ai đổ rác không?”, giọng nói yếu ớt của một người đàn ông cất lên, xen lẫn là giọng nói của một người phụ nữ. Ngay sau đó, người dân ở khu vực cảng biển Sa Cần, thuộc thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) vội vã thu gom rác sinh hoạt trong gia đình trao tay cho vợ chồng ông Sơn, để bỏ vào thùng chứa và kéo về nơi tập kết. 
 
Bao năm qua, giọng nói quen thuộc ấy như tiếng chuông nhắc nhở mọi người đã đến giờ phải mau chóng thu gom rác, kẻo lại lỡ hẹn chuyến xe rác của ông Sơn và vợ là bà Nguyễn Thị Bợ, 48 tuổi. Người dân cũng mau mắn mang rác đến, bởi họ cũng thấu hiểu rõ nỗi nhọc nhằn của nghề này, nhất là khi ông bà lại là người khuyết tật.
 
Ông Sơn từ khi chào đời đã gánh phải số phận mà không bất kỳ một người mẹ nào mong muốn khi sinh con ra. Ông khuyết tật một nửa người. Tay và chân trái tong teo, cong quắp, yếu ớt.
 
Ông Sơn cùng vợ đi thu gom rác tại các xóm trong thôn Hải Ninh.
Ông Sơn cùng vợ đi thu gom rác tại các xóm trong thôn Hải Ninh trên chiếc xe cũ kỹ. 
 
Khi gần 40 tuổi, ông cưới được người con gái trong làng cũng đồng cảnh ngộ. Bà Bợ bị khuyết tật trí tuệ và cũng mang trong mình những căn bệnh cần phải có thuốc thang chạy chữa thường xuyên. 
 
Do sức khỏe yếu cho nên dù vẫn còn trong độ tuổi lao động, vợ chồng ông chẳng thể xin được một việc làm ổn định, dù là đi làm công nhân.
 
Cách đây khoảng 2 năm, trước tình hình rác thải ngày càng báo động, xã Bình Thạnh vận động người dân tham gia mô hình thu gom rác thải tập trung. Thôn Hải Ninh là thôn tiên phong đi đầu nhờ sự tự nguyện của vợ chồng ông Sơn. Vợ chồng ông cho rằng đó là một sự may mắn của gia đình. 
 
“Tôi tự nguyện làm trước hết là để mang lại bầu không khí trong lành cho dân làng, vẻ đẹp vốn có cho vùng biển của quê hương. Vả lại tôi là người khuyết tật nên có lẽ đây là công việc phù hợp. Chỉ cần có việc làm và được mọi người tin tưởng ủng hộ đã là diễm phúc", ông Sơn bộc bạch.
 
Việc dọn rác trở thành thói quen như nhiều người làm việc trong một ngày. Sáng sớm, cả hai thức dậy cùng chiếc xe kẽo cà, kẽo kịt kéo đi khắp các thôn, xóm trong thôn Hải Ninh để thu gom. Đi đến đâu, vừa thả xe xuống, cả hai chia nhau đến tận nhà dân mang rác ra bỏ vào thùng.
 
 
Đoạn đường từ cảng cá Sa Cần đến bãi thu gom cũng tầm khoảng vài cây số nhưng cũng kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ với hàng trăm ký rác các loại. Để thu gom hết lượng rác thải trong thôn, mỗi ngày ông bà đi cũng 4-5 chuyến. Lắm hôm đến tận đêm khuya mới trở về nếu ngày hôm đó lượng rác thải dồn dập. 
 
Ông Sơn cho hay, ngày nào hai vợ chồng cũng đi thu gom cho công ty rác đến lấy. Vì nếu không đi, người dân sẽ đổ rác sinh hoạt quanh khu vực biển. Về lâu dài rác thải ùn ứ sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thậm chí, hôm nào xong việc sớm thì cả hai còn dành thời gian cho việc dọn rác ở bãi biển Sa Cần- nơi từng được ví như là “hố rác” khổng lồ ở địa phương.
 
“Công việc vất vả, dụng cụ thu gom thô sơ, nhân lực ít, trong khi đó lượng rác thải sinh hoạt ở thôn Hải Ninh rất lớn do dân số đông. Thời gian đầu, do ý thức người dân còn kém nên công việc vất vả. Nhưng dần dà thành thói quen, thấy mình nhiệt tình, người dân cũng ý thức hơn”, ông Sơn nói. 
 
Vất vả nhưng có nhau
 
Ông Nguyễn Thanh Long, người trực tiếp quản lý bến cá ở thôn Hải Ninh chia sẻ: “Hai vợ chồng ông Sơn thu gom kỹ càng, cẩn thận lắm! Dẫu biết làm tới tháng cũng có vài triệu nhưng “thấm béo” vào đâu so với công sức, tinh thần tự nguyện mà họ bỏ ra”.
 
“Có những buổi chiều tại khu vực cảng, hai vợ chồng lặng lẽ dọn từng đống rác được vứt ra bừa bãi từ người dân làm nghề cá ở địa phương mà chẳng nói một lời nặng nhẹ”, ông Long cho hay.
 
Rác sau khi vận chuyển đến điểm tập kết, vợ chồng ông Sơn phân loại cẩn thận.
Rác sau khi vận chuyển đến điểm tập kết, vợ chồng ông Sơn phân loại cẩn thận.
 
Dọn rác, công việc này ai cũng thấy vất vả khi mà những người như ông Sơn, bà Bợ phải tiếp xúc với hàng trăm loại chất thải thải ra môi trường: quần áo, giẻ lau, nước dơ, thực phẩm thừa... 
 
Ngán ngẩm nhất là mùi hôi tanh của xác chết động vật, đồ dùng cá nhân, chất thải từ nghề cá. Thương lắm những hôm trời chuyển mưa, bà Bợ yếu hẳn, một mình ông Sơn kham hết trên lưng công việc của vợ. Nước mưa thấm vào, chất thải bẩn từ các bao rác chảy đến ướt cả lưng. 
 
“Không ít hôm về đến nhà là muốn bỏ cơm. Tôi nhìn mà cứ thấy xót xa, dù có mệt cũng đi theo để làm động lực cho chồng. Rồi còn có những hôm tai nạn lao động xảy ra thường xuyên. ...", bà Bợ bộc bạch.
 
Như minh chứng cho lời của mình, bà Bợ xòe đôi bàn tay mình và chồng ra, đó là chi chít các vết thương do các vật nhọn kim loại, miểng chai. Nhưng rồi bà nói ngược lại, mọi khó khăn cũng sẽ trôi qua khi hai vợ chồng cùng đồng hành với nhau, cùng nhau làm việc tử tế, vơi bớt bất hạnh cuộc đời.
 
Đây chính là thành quả từ tấm lòng thơm thảo của người dân địa phương.
Đây là thành quả từ tấm lòng thơm thảo của người dân địa phương.
 
Cảm thương cho hoàn cảnh của ông bà, hằng tháng người dân góp lại cũng đủ tầm 2- 3 triệu đồng cho cả hai. Hôm nào có nhôm nhựa, đồng nát bỏ đi thì gửi kèm để ông bà bán kiếm thêm tiền. 
 
Đáng mừng, kể từ khi có dự án “Tử tế với Sa Cần” đến với địa phương, ý thức người dân ngày một nâng cao. Chuyện thu gom rác dễ dàng hơn.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Thạnh Nguyễn Hữu Trung cho biết, ban đầu công tác vận động tham gia mô hình thu gom rác ở địa phương gặp nhiều khó khăn do ai cũng từ chối. 
 
“Nhờ vào tinh thần làm việc hết mình với cái tâm vì cộng đồng, cộng với sự tiếp cận chân thành của vợ chồng ông Sơn trong công tác tuyên truyền nên công tác thu gom rác sinh hoạt tại các gia đình trong thôn đã có tiến triển hơn...”, ông Trung nói thêm. 
 
Rời thôn Hải Ninh khi trời đã chập choạng tối. Bóng tối bao trùm khắp nơi. Đó cũng là lúc vợ chồng ông Sơn trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả với chiếc xe kéo rác cũ kỹ, trong khi sức khỏe ngày một yếu đi.
 
Có lẽ, điều mà ông Sơn mong muốn nhất bây giờ là có một chiếc xe điện gắn thùng chứa rác để việc thu gom và vận chuyển rác dễ dàng, thuận tiện hơn.
 
Thiên Hậu- Trần Tươi
 

.