Nợ bảo hiểm xã hội: Bài toán vẫn chưa có lời giải

08:08, 27/08/2019
.
(Baoquangngai.vn) – Quảng Ngãi hiện có hơn 510 đơn vị nợ bảo hiểm của người lao động với số tiền gần 155,6 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp (DN) kéo dài thời gian nợ đến vài năm. Thực trạng nợ bảo hiểm kéo dài, vẫn chưa khắc phục được và đang ở mức nghiêm trọng.
Nợ bảo hiểm kéo dài,  người lao động khốn khổ
 
Tính đến 30.6.2019, toàn tỉnh còn hơn 510 đơn vị nợ bảo hiểm với tổng số nợ gần 155,6 tỷ đồng, trong đó, nợ BHXH gần 93,4 tỷ đồng, nợ BHYT 21,9 tỷ đồng, nợ BHTN trên 4,7 tỷ đồng, nợ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hơn 1 tỷ đồng, nợ lãi chậm đóng trên 28,5 tỷ đồng. 
 
Có gần 250 đơn vị nợ bảo hiểm từ 6 tháng trở lên, trong đó gần 60 tỷ đồng là nợ khó thu thời gian nợ từ 46 - 130 tháng. Các địa phương có tỷ lệ nợ cao là TP.Quảng Ngãi, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng và Sơn Tây.
 
Cá biệt như Công ty CP Bê tông ly tâm Dung Quất nợ 101 tháng với số tiền 10 tỷ đồng. Công ty CP Phát triển cơ sở hạ tầng nợ 6,6 tỷ đồng, thời gian nợ 79 tháng, Công ty CP Bao bì Việt Phú nợ 5 tỷ đồng, thời gian nợ 40 tháng.
 
Công ty CP Xây dựng 25 nợ 2 tỷ, thời gian nợ 46 tháng. Công ty CP 20/7 Quảng Ngãi nợ hơn 1,6 tỷ đồng, thời gian nợ 63 tháng. Công ty TNHH Chế biến thủy sản Bình Dung nợ gần 370 triệu đồng, thời gian nợ 129 tháng…
 
Công ty CP Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi nợ 6,6 tỷ tiền BH của người LĐ.
Công ty CP Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi nợ 6,6 tỷ tiền bảo hiểm của người LĐ.
 
Tình trạng DN chây ì, nợ bảo hiểm đã kéo dài nhiều năm chưa khắc phục được, có xu hướng tăng dần qua từng năm và đang ở mức nghiêm trọng. Nếu như năm 2016, tổng số nợ đọng là 77 tỷ đồng, đến năm 2017 tăng lên 94 tỷ đồng. Năm 2018 là 98 tỷ đồng và hiện nay đã tăng vọt lên gần 155,6 tỷ đồng.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài và tăng cao. Nhiều DN thực sự gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Các DN này sử dụng số lượng LĐ rất lớn, nợ bảo hiểm với số tiền lớn nên rất khó khăn trong việc thu hồi nợ.
 
Theo Trưởng Phòng Thanh tra - kiểm tra, BHX tỉnh, ông Trương Quang Hùng, với những DN này thì thật sự rất khó thu hồi nợ vì DN chưa giải thể, vẫn hoạt động cầm chừng trong khi tài chính thì không đảm bảo. 
 
Nhưng cũng có rất nhiều DN chây ì, cố tình chiếm dụng tiền bảo hiểm của người LĐ vào mục đích sản xuất kinh doanh, chấp nhận bị xử phạt vì mức xử phạt nợ bảo hiểm  thấp thay vì đóng bảo hiểm đúng thời hạn cho người lao động.
 
Để khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm của người lao động, thời gian qua, ngành BHXH đã thực hiện nhiều biện pháp trong công tác đôn đốc, thu hồi nợ, bảo vệ quyền lợi cho người LĐ. BHXH đã tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra chuyên ngành. Từ 2017 đến nay, đã thanh tra chuyên ngành 551 đơn vị, sau thanh tra đã thu hồi được 41,5/62 tỷ đồng.
 
Về phía LĐLĐ tỉnh đã thành lập tổ công tác, làm việc với các DN nợ bảo hiểm để tìm ra nguyên nhân, hướng giải quyết, đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người LĐ vừa đồng hành với DN. Qua đó, có 9/22 đơn vị kịp thời trả nợ bảo hiểm cho người LĐ.
 
Hàng chục nghìn LĐ dù đã nghỉ hưu vẫn chưa chốt được Sổ BHXH.
Hàng chục nghìn LĐ dù đã nghỉ hưu vẫn chưa chốt được Sổ BHXH.
 
Mặc dù, ngành BHXH và các cơ quan liên quan đã rất nỗ lực trong công tác đôn đốc, thu hồi nợ bảo hiểm cho người LĐ, thế nhưng, đòi nợ bảo hiểm rất nhiêu khê, số nợ thu hồi quá thấp so với số tiền mà DN nợ bảo hiểm của người LĐ. DN chây ì, khiến người LĐ rơi vào cảnh khốn khổ.
 
Anh Nguyễn Duy Kiên, từng làm việc tại Công ty Công ty CP Bao bì Việt Phú cho hay, anh làm việc tại công ty từ năm 2008 đến năm 2015. Đến cuối năm 2015, anh chấm dứt hợp đồng lao động với DN này, nhưng đến nay vẫn chưa chốt được sổ BHXH vì DN nợ bảo hiểm của anh với số tiền hơn 39 triệu đồng trong suốt 2 năm (từ 2013 đến 2015).
 
Không chỉ anh Kiên mà hơn 270 LĐ cũng khốn khổ vì Công ty CP Bao bì Việt Phú nợ bảo hiểm trong suốt nhiều năm. Có LĐ bị nợ với số tiền lên đến 182 triệu đồng. Toàn tỉnh có gần 87.000 LĐ cùng chung cảnh ngộ, khốn khổ đi đòi nợ DN.
 
Nhiều người đã nghỉ hưu vẫn chưa chốt được sổ, không được hưởng các chính sách mà đương nhiên họ được hưởng khi bị đau ốm, thai sản, trợ cấp thất nghiệp, khiến cuộc sống của họ lâm vào cảnh khốn khổ.
 
Nhiêu khê việc khởi kiện
 
Theo Luật BHXH, tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH của người lao động. Hành vi này cũng được hình sự hóa theo Bộ Luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, việc khởi kiện vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa có chủ DN nào bị khởi tố, nhiều chủ DN tỏ ra “nhờn” luật.
 
Vừa qua, được ủy quyền của người LĐ, LĐLĐ Khu kinh tế Dung Quất và  Khu công nghiệp Quảng Ngãi đã đứng ra thực hiện khởi kiện Công ty CP Bao bì Việt Phú ra Tòa án, đã đòi được hơn 4,3 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm của 144 người LĐ. Hiện Việt Phú vẫn còn nợ bảo hiểm của 127 người LĐ.

Đây là vụ kiện đầu tiên mà tổ chức Công đoàn đứng nguyên đơn kiện DN đòi lại quyền lợi chính đáng cho người LĐ. Tuy nhiên, việc khởi kiện DN rất nhiêu khê, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, ông Trần Quang Tòa dẫn chứng: Trong các luật, quy định về việc khởi kiện hành vi này vẫn còn chồng chéo. Luật thì quy định công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện DN ra tòa, có luật quy định công đoàn cấp trên trực tiếp công đoàn cơ sở được quyền khởi kiện, chính vì vậy dẫn đến khó khăn trong công tác kiện ra tòa án về hành vi nợ bảo hiểm của người LĐ.

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm của người LĐ, đó là tranh chấp lao động tập thể, giữa tập thể người LĐ và chủ DN, nhưng khi tiến hành làm hồ sơ để tố tụng khởi kiện ra toà án, quy định phải có sự ủy quyền của công nhân LĐ để tổ chức Công đoàn được khởi kiện ra. Khi gửi hồ sơ qua Tòa án thụ lý thì trở thành giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. 

Về phía Tòa án, khi đã thụ lý hồ sơ, việc giải quyết khiếu kiện cũng lắm nhiêu khê. Bởi lẽ, trụ sở của Công ty Việt Phú nay đã thay thế bằng công ty khác. Chủ DN thì cố tình trốn tránh, không hợp tác.

Thẩm phán Phạm Thanh Hùng (TAND TP. Quảng Ngãi) giải thích: Với trường hợp này, mỗi lần tống đạt các văn bản tố tụng cho bị đơn mà không thành thì tòa phải tiến hành niêm yết. Mỗi lần niêm yết như thế phải mất 15 ngày tòa mới tiến hành làm các bước tiếp theo. Thời gian kéo dài trong khi quy định thời gian thụ lý một vụ án chỉ trong 2 tháng.

Quá trình giải quyết vụ án lại phát sinh thêm nhiều vướng mắc. Vấn đề phối hợp giữa các bên liên quan cũng là vấn đề đáng nói tới khi làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.

Đừng để DN “nhờn luật”

Cùng với việc tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện DN để đòi lại quyền lợi cho người LĐ, hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người LĐ cũng bị hình sự hóa theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 3 tỷ đồng, bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm…

Xử lý hình sự với các DN chây ì, cố tình không nộp bảo hiểm cho người LĐ được xem là công cụ hữu hiệu chống trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm, dẫn đến nợ bảo hiểm kéo dài, gây thiệt thòi cho người LĐ. Luật quy định như thế, nhưng tại Quảng Ngãi vẫn chưa có chủ DN nào bị khởi tố.
 
Quyền lợi của người LĐ cần phải được bảo vệ.
Quyền lợi của người LĐ cần phải được bảo vệ.
 
Cũng theo ông Trần Quang Tòa, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về việc làm, tiền lương, bảo hiểm… cho người LĐ; chỉ đạo các công đoàn cơ sở trong các DN kịp thời đề xuất kiến nghị lên công đoàn cấp trên giải quyết các vướng mắc.
 
Vấn đề khó khăn trong khởi kiện do các luật quy định không đồng nhất, LĐLĐ tỉnh sẽ kiến nghị lên cấp trên để thống nhất, tạo hành lang pháp lý tốt để khi công đoàn đứng ra khởi kiện DN nợ bảo hiểm không còn trở ngại như thời gian qua.

Theo Luật BHXH năm 2016, quyền khởi kiện DN nợ bảo hiểm được giao của tổ chức công đoàn, tuy nhiên BHXH là cơ quan quản lý nhà nước, thu, quản lý BHXH của người LĐ. Vì thế, nên bổ sung quy định BHXH cũng có quyền khởi kiện, không nên giao hết quyền này cho tổ chức công đoàn.

Để hạn chế nợ đọng bảo hiểm đến mức thấp nhất, các cơ quan chức năng đang tích cực thực hiện các giải pháp. Về lâu dài, để DN không “nhờn” luật, thực hiện nghiêm chính sách pháp luật với người LĐ, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là thực hiện nghiêm quy định theo Bộ Luật Hình sự.
 
“Xử phạt chẳng qua là biện pháp tức thời. Chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện căn ke các chế tài, đặc biệt là xử lý hình sự theo quy định”- ông Tòa cho biết thêm.
 

Theo Điều 216, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, người nào không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người LĐ từ 6 tháng trở lên, số tiền từ 50 đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 đến dưới 50 người LĐ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Bị phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm với những trường hợp phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người…

Bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 đến 7 năm với hành vi trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền từ 200 đến 3 tỷ đồng.
 

 

Bài, ảnh: C.P

 
 
 

.