Mô hình "một cửa" tại xã: Tạo thuận lợi cho người dân

10:08, 29/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện thí điểm mô hình một cửa liên thông tại UBND xã và đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân.
TIN LIÊN QUAN

Thuận lợi cho người dân

Hành Phước là xã có dân số đông nhất huyện Nghĩa Hành, hằng ngày có hàng chục lượt người dân đến thực hiện các thủ tục giấy tờ. Đặc biệt, thời điểm sau tết Nguyên đán hoặc học sinh, sinh viên nhập học, số tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục hành chính (TTHC) tăng đột biến, làm cho việc giải quyết các thủ tục của cán bộ xã mất nhiều thời gian, trong khi người dân phải qua nhiều bộ phận để nộp, ký giấy tờ.
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND xã Hành Phước (Nghĩa Hành).
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND xã Hành Phước (Nghĩa Hành).

Sau khi triển khai thực hiện mô hình “một cửa” tại xã từ đầu năm 2019 đến nay, việc giải quyết các thủ tục cho người dân được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng. Theo đó, các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực khai sinh, khai tử, lý lịch... đều được tập trung tại một bộ phận.

Khi người dân có yêu cầu, cán bộ chuyên trách sẽ tiếp nhận hồ sơ, xem xét phân loại theo từng lĩnh vực và chuyển cho cán bộ phụ trách lĩnh vực giải quyết. Riêng các TTHC liên quan đến 2 cấp, 3 cấp, người dân sẽ được cấp phiếu hẹn và trả kết quả đúng thời gian quy định, giảm việc đi lại nhiều lần.

Ông Hồ Ngọc Đức, xã Hành Phước cho biết: "Vừa rồi, tôi đi xin xác nhận, chứng thực một số loại giấy tờ, cán bộ ở bộ phận một cửa đã tận tình hướng dẫn và giải quyết nhanh chóng, tôi không phải đi lại nhiều lần như trước”. Còn bà Nguyễn Thị Nga, xã Hành Phước, thì nhận xét: “Tôi thấy thái độ làm việc của công chức nghiêm túc, hòa nhã; mọi thắc mắc đều được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo. Bên cạnh đó, các thủ tục được niêm yết rõ ràng, giúp người dân tiếp cận thông tin minh bạch”.

Phó Chủ tịch UBND xã Hành Phước Nguyễn Đức cho biết: Để phục vụ người dân được tốt, ngoài việc bố trí cán bộ, công chức tiếp công dân theo từng lĩnh vực một cách hợp lý, xã còn bố trí lãnh đạo trực để giải quyết nhanh chóng hồ sơ, trực tiếp chỉ đạo các vấn đề vướng mắc phát sinh, không để tồn đọng các hồ sơ, giấy tờ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

"Đầu năm 2019, UBND huyện Nghĩa Hành đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm mô hình một cửa điện tử cấp xã tại 3 xã, gồm: Hành Phước, Hành Đức và Hành Thịnh. Việc đưa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hiện đại cấp xã đi vào hoạt động góp phần đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, từng bước hiện đại hóa nền hành chính công, đảm bảo tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn huyện".

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành ĐÀM BÀNG

Quản lý khoa học hơn

Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người dân, mô hình một cửa, ứng dụng công nghệ thông tin còn giúp lãnh đạo xã có thể phê duyệt các hồ sơ, giấy tờ của người dân qua các thiết bị máy tính, điện thoại khi lãnh đạo đi họp, hoặc công tác dài ngày không có ở địa phương. Còn đối với hồ sơ bảo trợ xã hội cần huyện chứng thực, UBND xã chỉ cần gửi qua phần mềm điện tử đã được cài đặt, không cần cử cán bộ mang lên tận huyện như trước. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn giúp UBND cấp xã quản lý hồ sơ một cách khoa học hơn.

Nhằm tăng cường cải cách TTHC, tiến tới xây dựng nền hành chính công hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ công dân, tổ chức thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC và công khai tình trạng giải quyết hồ sơ, một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện mô hình “một cửa” liên thông. Tuy nhiên, việc đầu tư trang thiết bị, phần mềm công nghệ quản lý tốn nhiều chi phí, nên nhiều xã chưa có kinh phí để thực hiện.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 

.