Xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh: Nan giải bài toán môi trường

09:07, 18/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian còn lại để tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Lý Sơn - Sa Huỳnh là Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) không còn nhiều, nhưng còn rất nhiều việc phải làm, trong đó tiêu chí môi trường vẫn đang là bài toán nan giải.

TIN LIÊN QUAN

Rác thải từ trên bờ đến đáy biển

Một trong những tiêu chí để UNESCO công nhận Lý Sơn-Sa Huỳnh là CVĐCTC là khu vực này phải đảm bảo tiêu chí về môi trường. Song, dọc bờ biển trong vùng quy hoạch CVĐCTC Lý Sơn - Sa Huỳnh hiện nay có rất nhiều rác thải.

Khu vực đập tràn nối giữa hai xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) và Bình Châu (Bình Sơn) lâu nay vẫn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt. Mặc dù UBND xã Bình Châu và hội đoàn thể đã ra quân thu dọn, thậm chí đặt camera để giám sát, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Lịch sử hàng triệu năm hình thành đã tạo cho Lý Sơn một địa mạo đặc biệt, được các nhà chuyên gia địa chất đánh giá cao.  Ảnh: Bùi Thanh Trung
Lịch sử hàng triệu năm hình thành đã tạo cho Lý Sơn một địa mạo đặc biệt, được các nhà chuyên gia địa chất đánh giá cao. Ảnh: Bùi Thanh Trung
 
Còn tại khu vực cảng cá Sa Huỳnh, túi nilong, chai nhựa, rác hữu cơ trôi nổi trên mặt biển. Không những vậy, các cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản còn xả thải thẳng ra môi trường, khiến khu vực quy hoạch CVĐCTC bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tình trạng rác thải chìm sâu dưới đáy biển cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với CVĐCTC. Thực trạng này tác động trực tiếp đến địa mạo di sản cảnh quan thiên nhiên và địa chất trong vùng, dẫn đến khó phát huy hết giá trị của di sản. Hình ảnh những “núi rác”, mà các bạn trẻ “Vì một Lý Sơn không rác” tổ chức lặn biển thu gom ngay tại vùng biển Lý Sơn thời gian qua cũng chỉ là bề nổi, vì thực tế thì còn rất nhiều rác thải chìm sâu dưới đáy biển.

Chung tay làm sạch môi trường biển

Theo Viện trưởng Viện khoa học địa chất và khoáng sản, PGS-TS Trần Tân Văn, vấn nạn ô nhiễm môi trường từ trên bờ xuống dưới nước trong quần thể CVĐCTC Lý Sơn - Sa Huỳnh là điểm yếu mà Quảng Ngãi cần phải khắc phục. Ông Văn cho rằng, những công viên địa chất ở Hà Giang, Cao Bằng... môi trường luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Vì thế, thực trạng môi trường trong vùng CVĐCTC Lý Sơn - Sa Huỳnh đã đặt ra cho Quảng Ngãi rất nhiều việc phải làm trước khi hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO.
Môi trường ô nhiễm đang là
Môi trường ô nhiễm đang là "khoảng trống" đối với việc hoàn thành hồ sơ để được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.


“Đây là tiêu chí quan trọng bắt buộc phải đưa vào hồ sơ để báo cáo. Khác với những nơi khác, vấn đề vệ sinh môi trường ở Lý Sơn - Sa Huỳnh rất nhạy cảm, vì nó đập ngay vào mắt chúng ta. Nếu không làm tốt, đoàn kiểm tra của UNESCO nhìn thấy thì khả năng hồ sơ bị trả là khó tránh khỏi.

Phần lớn rác thải là từ cộng đồng thải ra, nhưng chúng ta không có biện pháp xử lý, mà đổ lỗi cho khách quan là không được. Muốn Lý Sơn - Sa Huỳnh được công nhận là CVĐCTC thì ngay từ bây giờ, tỉnh phải có giải pháp về vấn đề môi trường ở khu vực này”, PGS-TS Trần Tân Văn nói.

Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Sa Huỳnh sau khi được mở rộng có diện tích lên đến 4.600km2, nên việc làm sạch môi trường cả trên bờ lẫn dưới nước trong thời gian ngắn là việc rất khó, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Theo quy định của UNESCO, nếu được công nhận là CVĐCTC, nhưng sau đó môi trường ở đây bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ở vùng lõi, vùng phụ cận thì UNESCO sẽ rút lại chứng nhận.

Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cho biết: Cùng với việc hoàn thiện hồ sơ để kịp trình UNESCO, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương nằm trong vùng quy hoạch CVĐCTC Lý Sơn - Sa Huỳnh đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, tập trung xử lý ở vùng lõi, gồm Bình Châu, Lý Sơn và 81 địa điểm có chỉ dẫn địa lý, để vấn đề môi trường được giải quyết một cách tốt nhất. Về lâu dài, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng đến việc thu gom, xử lý rác thải trong vùng quy hoạch một cách khoa học. Đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình gây ô nhiễm môi trường.

 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


.