Ngành điện chủ động ứng phó mưa, bão

09:07, 16/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với mục tiêu nâng cao chất lượng cấp điện, bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân trong mùa mưa bão, ngành điện đã chủ động lập phương án ứng phó ngay từ mùa khô.

TIN LIÊN QUAN

Dự báo năm nay sẽ có khoảng 12 - 13 cơn bão hoạt động trên Biển Đông và khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; khả năng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung Bộ. Từ giữa và cuối năm 2019, nhiều khả năng bão sẽ xuất hiện nhiều hơn so với trung bình các năm.

Với đặc thù của ngành điện là quản lý vận hành, bán điện trên địa bàn rộng khắp, nhiều nơi hệ thống lưới điện phải băng qua sông, suối, nguy cơ mất an toàn và xảy ra sự cố khi gặp mưa, bão rất cao. Vì thế, việc ứng phó luôn được ngành điện đặt lên hàng đầu và các phương án đã được xây dựng, triển khai ngay trong mùa khô.

Công ty Điện lực Quảng Ngãi diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tổng công ty tại Quảng Ngãi.
Công ty Điện lực Quảng Ngãi diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tổng công ty tại Quảng Ngãi.

Hiện tại, lưới điện trên địa bàn tỉnh gồm các cấp điện áp 110kV, 35kV, 22kV và lưới điện hạ áp 0,4kV; 0,23kV, cấp điện cho hơn 315.600 khách hàng sử dụng điện. Khi địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của thời tiết xấu (bão, lũ, lốc xoáy...) sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận hành lưới điện.

"Hằng năm, ngành điện đều xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn một cách cụ thể. Kế hoạch này được diễn tập đồng bộ, để khi  có thiên tai xảy ra ứng phó hiệu quả. Năm 2019, dự báo thời tiết có nhiều diễn biến cực đoan, vì vậy hoạt động ứng phó phải được triển khai diễn tập, thực hành ngay từ rất sớm".

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung, kiêm Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi PHẠM SỸ HÙNG

Trên địa bàn tỉnh, đường dây 110kV dài 270km được xây dựng đi qua đồi núi, đồng ruộng và vượt sông; đường dây 35kV dài 136km; đường dây 22kV dài 2.472km được xây dựng dọc theo các quốc lộ, tỉnh lộ, đi qua đồi núi, đồng ruộng và vượt sông. Đến mùa nước lũ có khả năng ngập lụt, nước chảy mạnh có thể gây sạt lở móng trụ, đổ trụ, đứt dây điện. Vì thế, ngành điện luôn theo dõi, kiểm tra các điểm xung yếu và có phương án xử lý khi có sự cố xảy ra.

Đường dây điện hạ áp trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, các thị trấn, các xã có chiều dài tổng cộng 2.159km luôn được kiểm tra, phát quang dọc theo hành lang tuyến; tu bổ, kè đắp thêm những trụ điện đã hoặc có nguy cơ xói lở khi lũ lớn, nhằm bảo đảm an toàn cho lưới điện. Các trạm biến áp (TBA) phụ tải gồm 2.805TBA, tổng dung lượng 680.211kVA, hầu hết được treo trên trụ nên khó ngập lụt. Tuy nhiên, do diễn biến bất thường của thời tiết, một số khu vực thường bị ngập sâu đã được xác định vị trí, tăng cường theo dõi khi có lũ lụt.

Mới đây, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tổng công ty, với sự tham dự của 12 công ty điện lực các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tình huống giả định cụ thể, sát thực và phương châm ứng phó được quán triệt “bốn tại chỗ, ba sẵn sàng”.

Đó là, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Ba sẵn sàng gồm: Sẵn sàng chủ động phòng tránh; sẵn sàng đối phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Nguyên tắc chỉ huy mỗi nhiệm vụ một đầu mối.

Nắm bắt, phối hợp thông tin trong công tác khắc phục phụ tải có chọn lọc: Từ nguồn 110kV đến lưới 22kV, trục chính và TBA phân phối... tránh tình trạng khôi phục đường dây trong khi bế tắc về nguồn cấp. Trong mọi tình huống, cần nỗ lực khắc phục nhanh chóng, đồng thời đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước, trong và sau thiên tai.

Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.