Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi:
30 năm xây dựng và phát triển

10:07, 15/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành (1.7.1989 - 1.7.2019), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi đã từng bước lớn mạnh, đóng góp to lớn vào sự phát triển nông nghiệp, vì sự phồn thịnh của nông thôn, nông dân tỉnh nhà.

TIN LIÊN QUAN

Đến cuối năm 2018, Agribank Quảng Ngãi có tổng nguồn vốn đạt 10.675 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 1.100 lần và chiếm 23% thị phần toàn tỉnh; tổng dư nợ đạt 9.568 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 759 lần; thu dịch vụ đạt 31 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 3.100 lần; tỷ lệ nợ xấu hiện đang ở mức 1,2%/tổng dư nợ, giảm 14,1% so ngày đầu mới thành lập...

Bứt phá từ gian khó

Ngày đầu mới thành lập, với điểm xuất phát thấp, tổng nguồn vốn chỉ có 9,7 tỷ đồng; tổng dư nợ 12,6 tỷ đồng; biên chế lao động lên đến 737 người; thu nhập không bảo đảm chi trả tiền lương cho người lao động... Trước những khó khăn, thách thức, các thế hệ lãnh đạo, nhân viên và người lao động làm việc tại Agribank Quảng Ngãi đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và kiên trì bám sát mục tiêu định hướng của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam (tiền thân của NN&PTNT Việt Nam ngày nay) và của địa phương, đề ra chương trình hành động cụ thể.

Vì vậy, đến cuối năm 1996, chi nhánh đã “vượt khó”, tạo động lực để mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ, tinh gọn bộ máy, từng bước đưa hoạt động của chi nhánh từ tỉnh đến huyện ngày càng ổn định, hiệu quả.

Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Đinh Văn Công thăm và tặng quà cho người già neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Đinh Văn Công thăm và tặng quà cho người già neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
 
Một trong những hướng đi thành công nhất, để lại dấu ấn sâu sắc nhất và mang bản sắc riêng của Agribank Quảng Ngãi là chương trình tín dụng hộ. Xác định cho vay trực tiếp đến hộ nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, Ban Giám đốc Agribank Quảng Ngãi đã tập trung ở lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, chi nhánh đổi mới cơ cấu đầu tư vốn, từ quốc doanh là chủ yếu sang tập trung vào các hộ sản xuất cá thể với kim chỉ nam hoạt động “nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chính”.
 
Tiền thân của Agribank Quảng Ngãi là Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi, được thành lập ngày 1.7.1989, trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Nghĩa Bình, sau khi tái lập tỉnh Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó, chi nhánh cũng thành lập các tổ liên danh vay vốn tại xã, thôn, mỗi tổ gồm 10 - 15 hộ có nhu cầu vay vốn, để phát triển sản xuất. Đến cuối năm 2018, đã có gần 27 nghìn thành viên còn dư nợ, với tổng dư nợ đạt gần 1.700 tỷ đồng, thông qua các tổ vay vốn. Vì vậy, nợ xấu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được duy trì ở mức thấp, chỉ chiếm 0,9%/tổng dư nợ.

Hiện nay, Agribank Quảng Ngãi là ngân hàng thương mại tiên phong triển khai thực hiện 9 chương trình tín dụng chính sách, cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, đóng góp tích cực phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn...

Song song với đó, chi nhánh xây dựng mục tiêu, chiến lược cũng như phân loại khách hàng doanh nghiệp (DN); đồng thời thực hiện các chính sách phát triển, nhằm mở rộng tín dụng và nâng cao hiệu quả cấp tín dụng; phát triển sản phẩm dịch vụ và cung cấp các tiện ích ngân hàng đối với khách hàng DN... Vì vậy, đến năm 2018, tổng dư nợ của phân khúc khách hàng DN đạt 2.000 tỷ đồng; nâng tỷ trọng cho vay DN toàn chi nhánh 21%/tổng dư nợ...

Từ thành công trên, chi nhánh không ngừng mở rộng quy mô, đa dạng hóa dịch vụ Internet Banking, E - Mobile Banking, ví điện tử, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền online hoặc các dịch vụ thanh toán khác, thẻ chip chuẩn EMV... Với gần 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cùng nhiều chương trình khuyến mại, dự thưởng, góp phần mang lại sự tiện ích và hài lòng cho khách hàng.

Giờ đây, khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng không cần phải trực tiếp đến ngân hàng, mà có thể ở nhà hay bất kỳ nơi nào cũng có thể sử dụng được dịch vụ, thông qua kênh ngân hàng điện tử. Đặc biệt, từ tháng 1.2018, chi nhánh đã khai trương điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng tại huyện Sơn Hà, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Một trong những chiếc tàu vỏ thép được Agribank Quảng Ngãi cho vay vốn đóng mới được hạ thủy.
Một trong những chiếc tàu vỏ thép được Agribank Quảng Ngãi cho vay vốn đóng mới được hạ thủy.

Không chỉ phân phối sản phẩm dịch vụ trực tiếp tại 14 chi nhánh, 11 phòng giao dịch trên toàn tỉnh cùng với ngân hàng lưu động bằng ô tô chuyên dùng, Agribank Quảng Ngãi còn phát triển nhiều kênh phân phối, như: 22 máy ATM, 54 máy EDC/POS (điểm chấp nhận thẻ), hơn 200 QR Code, Internet Banking, kết nối thanh toán với khách hàng (CMS)... Vì vậy, hiện có trên 80 nghìn khách hàng tin tưởng lựa chọn và sử dụng các sản phẩm dịch vụ.

Tầm nhìn mới, chiến lược mới

Năm 2019 không chỉ là năm ghi dấu chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành của Agribank Quảng Ngãi, mà còn là năm có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và góp sức chuẩn bị cho Agribank Việt Nam cổ phần hóa khi đủ điều kiện theo chỉ đạo của Chính phủ.

Với sứ mệnh là ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu của tỉnh, giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển tam nông và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Agribank Quảng Ngãi xác định tầm nhìn, chiến lược phát triển theo hướng ngân hàng hiện đại “tăng trưởng - an toàn - hiệu quả - bền vững”. Từ đó, khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng phát triển tam nông, đủ sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

Mô hình Điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng được khách hàng đánh giá cao, vì sự tiện lợi.
Mô hình Điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng được khách hàng đánh giá cao, vì sự tiện lợi.

“Để đạt được mục tiêu này, Agribank Quảng Ngãi sẽ tiếp tục cơ cấu lại tổ chức bộ máy và mạng lưới, nhân lực; nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn, cơ cấu lại tín dụng và phát triển các dịch vụ ngân hàng tiện ích; đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh; tăng cường quản trị rủi ro và kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phát triển thương hiệu và tăng khả năng cạnh tranh”, Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Đinh Văn Công cho biết.

Đồng thời, với định hướng chuyển đổi từ kinh doanh chủ yếu dựa vào cấp tín dụng sang phát triển kinh doanh đa dạng về dịch vụ, chi nhánh tập trung mở rộng thị trường cung cấp các sản phẩm dịch vụ, theo hướng mở rộng đối tượng khách hàng, khuyến khích khách hàng mở tài khoản và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tiện ích; hướng dẫn, khuyến khích các đối tượng khách hàng hướng đến thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ; chú trọng phát triển các sản phẩm thanh toán, tiện ích dịch vụ đi kèm trên kênh số hóa, tự động thay cho kênh truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM...

Hướng về cộng đồng

Song song với hoạt động kinh doanh, Agribank Quảng Ngãi còn tích cực tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội, chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống... Tổng số tiền thực hiện công tác an sinh xã hội từ năm 2015 đến nay của chi nhánh gần 69 tỷ đồng.

 

Bài, ảnh: THANH PHONG


.