"Mạch nguồn" tươi mát của làng

02:05, 04/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời mới "khai thiên lập địa", cha ông đã đào rất nhiều giếng ở những làng quê, để bà con có nguồn nước sinh hoạt. Ngày nay, có những nơi, người dân vẫn gìn giữ các giếng cổ để kể cho con cháu về những câu chuyện của làng quê ngày xưa...

Chẳng một ai trong thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn), biết giếng Ông có từ khi nào. Họ chỉ được nghe ông bà truyền tai nhau những câu chuyện kỳ bí về việc hình thành và xây dựng nên giếng cổ. Theo lời ông Thái Văn Lạc, một bậc cao niên ở thôn Thanh Thủy, thì trước kia, giếng Ông chỉ là một vũng nước nhỏ, nhưng có mạch ngầm từ lòng đất chảy mãi, nên có nguồn nước dồi dào, mát trong.

Người dân thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) vẫn giữ gìn giếng Ông, như giữ gìn nguồn sống của dân làng mình.
Người dân thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) vẫn giữ gìn giếng Ông, như giữ gìn nguồn sống của dân làng mình.


Hồi đó, thôn xóm không có nhiều người ở, chỉ lưa thưa vài ngôi nhà tranh, cây cối um tùm, xung quanh là rừng bao quanh làng chài ven biển. “Ông bà kể lại rằng, ngày đó cọp, khỉ và muôn thú xuống vũng nước này (nay là giếng Ông) để uống nước, rồi dân làng cũng lấy nguồn nước này để sinh hoạt. Dần dà giếng trở thành mạch nước uống của cả làng. Sau nhiều năm, bà con mới dùng đá ong để kè xung quanh, đào sâu xuống tạo thành giếng. Mãi đến giờ, nó vẫn là mạch nước sinh hoạt của rất nhiều hộ dân ở thôn Thanh Thủy”, ông Lạc cho biết.

Bây giờ, người dân thôn Thanh Thủy vẫn giữ gìn và bảo vệ giếng Ông, bởi nó là “mạch rồng” cung cấp nước cho hơn 100 hộ dân nơi đây. Thành giếng được làm từ các viên đá ong xếp xen kẽ. Theo người dân ở đây, đá ong không những giữ được thành giếng, mà còn có tác dụng lọc nước... Hiện có hơn 10 máy bơm của các hộ dân vẫn thường xuyên hoạt động, hút nước phục vụ sinh hoạt.

Điều đặc biệt hơn, hằng năm người dân tự nguyện đóng góp quỹ để tu sửa, làm rào chắn bảo vệ giếng cổ này. “Con cháu trong thôn, xóm cũng có trách nhiệm lắm. Chúng đóng góp tiền, công sức để tu sửa lại những chỗ hư hỏng của giếng Ông. Năm trước, chúng tôi mới xây thêm tường rào để bảo vệ và cấm không cho ai vứt rác hay vật gì xuống giếng”, ông Lạc chia sẻ thêm.

Khác với giếng Ông, những giếng cổ ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức), không còn là nguồn nước sinh hoạt cho dân làng đã nhiều năm nay, nhưng vẫn âm thầm góp mình vào không gian văn hóa của mảnh đất này đến tận bây giờ. Giống như mọi giếng cổ khác, giếng ở đây cũng được xây dựng bằng những viên đá ong, xếp xen kẽ với nhau tạo nên một hình khối vững chắc. Nhìn thành giếng được xây bằng đá ong đều tăm tắp mới hiểu được vì sao, nhiều giếng cổ đã trở thành "phao cứu sinh" của thôn, xóm trong mỗi mùa khô hạn.

Ông Phạm Văn Trầm, người gắn bó cả đời với vùng đất Thạch Thang, cho biết: “Lúc trẻ, chúng tôi thường gánh nước giếng này về nhà đổ vào chum để dùng. Sau này, bà con ở đây khoan giếng, nên dần quên đi những giếng cổ này. Chúng tôi quyết không lấp đi mà vẫn giữ lại chúng, như giữ lại những giá trị văn hóa mà cha ông đã để lại”. Hiện thôn Thạch Thang còn 3 giếng cổ và người dân ở đây vẫn giữ gìn, bảo vệ các giếng này. Bởi với họ, giếng làng có một giá trị văn hóa vô cùng sâu sắc.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


.