Làng ly hương

10:05, 11/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Làng quê ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường (Đức Phổ) trong những năm gần đây ngày càng đổi thay. Thế nhưng, điều đáng bận tâm là làng quê vắng bóng người, bởi nhiều người dân rời quê làm ăn nơi xa. Mọi sinh hoạt đời sống văn hóa ở khu dân cư hầu như khó thực hiện.

TIN LIÊN QUAN

Mưu sinh xa quê

Dạo quanh làng Mỹ Trang, xã Phổ Cường chúng ta sẽ dễ nhận thấy làng quê này có không ít nhà cao tầng, tường rào cổng ngõ xây dựng kiên cố, khang trang. Thế nhưng, nơi đây có hàng chục ngôi nhà không có bóng người, hằng ngày cửa đóng then cài.

Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Trần Thị Kim Nhung giải thích: Nhiều năm rồi, cứ đến mùa khô hạn, thiếu nước sản xuất, nhiều người lại rời quê đi làm ăn xa. Người thì vào Nam bán hủ tiếu, buôn ve chai, người thì lên Tây Nguyên hái cà phê...

Cả làng có khoảng 300 hộ quanh năm lao động kiếm sống ở nơi xa. Họ lao động vất vả để kiếm tiền nuôi con ăn học và xây dựng nhà cửa khang trang. Diện mạo vùng quê khởi sắc, nhưng buồn vì làng rất ít người.

Diện mạo làng quê thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường (Đức Phổ) ngày càng khang trang, nhưng vắng người.
Diện mạo làng quê thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường (Đức Phổ) ngày càng khang trang, nhưng vắng người.


Theo Trưởng thôn Mỹ Trang Tô Hùng Hoanh: Toàn thôn có 1.280 hộ, chiếm 1/3 dân số trong xã. Cuộc sống người dân chủ yếu bám vào ruộng đồng. Thế nhưng, địa thế ở thôn Mỹ Trang không thuận lợi trong việc sản xuất nông nghiệp. Nông dân chỉ sản xuất được 1 vụ, còn 1 vụ bấp bênh. Dân làng lần lượt vào Nam sinh sống, bây giờ cả làng có đến 300 hộ hành nghề hủ tiếu, bán ve chai, buôn gánh bán bưng ở đất khách quê người.

Còn đó nhiều nỗi lo   

Bên cạnh mặt được khi người dân rời quê mưu sinh, thì vẫn còn nhiều trăn trở. Ông Tô Hùng Hoanh cho biết: Làng vắng dân nên mọi sinh hoạt, hội họp ở khu dân cư đều gặp khó khăn. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khó triển khai đến dân kịp thời; các tập tục văn hóa của làng không được duy trì thường xuyên nên mai một dần; con em thiếu tình thương yêu của ba mẹ, nên việc học xao nhãng...

Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Trần Nguyên Giang chia sẻ: Người dân làm ăn xa quê không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mà còn đóng góp xây dựng các công trình nhà văn hóa, đường giao thông. Tuy nhiên, dân rời làng làm ăn xa quê cũng có nhiều bất cập.

Vì thế, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Xã cũng kiến nghị với huyện và ngành chức năng quan tâm đầu tư, triển khai các mô hình kinh tế phù hợp, nhằm tạo điều kiện để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống ngay trên quê hương; đầu tư xây dựng hồ chứa nước Huân Phong nhằm phục vụ tưới tiêu ở các cánh đồng để nâng cao năng suất cây trồng... Có vậy mới giữ chân được dân sinh sống tại quê nhà.   

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.