Cắt giảm hợp đồng nhân viên y tế: Nỗi lo từ nhiều phía

09:05, 19/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị định 161 của Chính phủ, ngành y tế đang loay hoay tìm giải pháp cắt hợp đồng lao động chuyên môn. Bởi số biên chế thiếu hụt do giảm hằng năm tương đối lớn, nếu cắt hợp đồng chuyên môn gần cả nghìn lao động, thì các bệnh viện đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực, ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh.

TIN LIÊN QUAN

Theo định mức trên số dân, Quảng Ngãi cần 4.757 biên chế y tế. Tuy nhiên, số biên chế được giao hiện nay của ngành mới đạt 3.223 người.

Cần thiết phải hợp đồng

Năm 2018, ngành y tế bị cắt giảm 87 biên chế so với năm 2015 và theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong 3 năm (2019 - 2021) ngành y tế tiếp tục cắt giảm 243 biên chế, trong khi số bệnh nhân ngày càng tăng, nhiều đơn vị y tế quá tải giường bệnh. Nhân lực không đáp ứng hoạt động là nguyên nhân buộc các bệnh viện phải hợp đồng có thời hạn với 833 nhân viên y tế. Đa số là điều dưỡng, y sĩ...  

Ngành y tế gặp áp lực lớn nếu thực thi chính sách cắt hợp đồng lao động chuyên môn.
Ngành y tế gặp áp lực lớn nếu thực thi chính sách cắt hợp đồng lao động chuyên môn.


Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh hiện có gần 100 nhân viên y tế hợp đồng. "Trong khi biên chế của bệnh viện cần khoảng 220 người, thì số biên chế được giao của đơn vị chỉ 146 người. Vì thế, những nhân viên hợp đồng có thời hạn đã giúp đơn vị rất nhiều trước tình trạng quá tải bệnh nhân hiện nay. Do đó, tôi kiến nghị các cấp cần có biện pháp tháo gỡ để giải quyết khó khăn cho các bệnh viện”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh Huỳnh Tuấn Lộc cho hay.

Đối với nhân viên y tế theo diện hợp đồng hiện họ cũng đang rất bất an. Điều dưỡng Hồ Thị Minh Vương, người đã có hơn 10 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh theo diện hợp đồng, chia sẻ: Tôi làm việc tại Khoa Khám bệnh, mỗi ngày tiếp xúc, hướng dẫn, chăm sóc hàng chục bệnh nhân. Áp lực công việc lớn, lương hợp đồng chỉ 3 triệu đồng/tháng, nếu sắp tới phải nghỉ việc thì tôi thật sự khó khăn. Bởi tôi giờ đã lớn tuổi, khó có điều kiện xin việc ở nơi khác.

Tương tự, Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn cũng rất khó khăn, nếu phải cắt giảm 45 nhân viên hợp đồng. “Nhiều khoa như cấp cứu - hồi sức, đông y, nhi... số lượng bệnh nhân đông, do đó khi biên chế chưa đảm bảo, chúng tôi phải hợp đồng với hàng chục điều dưỡng, y sĩ, y tá để duy trì tốt hoạt động các khoa”, Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Sơn Võ Hùng Viễn cho hay.

“Để tháo gỡ tình trạng thiếu nhân lực của ngành y tế, trong khi chờ HĐND tỉnh thông qua nghị quyết đối với các đơn vị y tế đảm bảo tự chủ chi thường xuyên có quyền tự quyết định về hợp đồng lao động, tỉnh sẽ thu hồi biên chế các đơn vị này bổ sung cho các đơn vị y tế thiếu biên chế, chứ không phân bổ cho ngành khác”.

Giám đốc Sở Nội vụ ĐOÀN DỤNG

Sớm tháo gỡ khó khăn

Đối với nhân viên hợp đồng y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh đa số có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập bình quân của mỗi người chỉ từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Hơn 800 trường hợp trên nếu phải dừng hợp đồng, không chỉ đời sống của họ gặp khó, mà các đơn vị y tế cũng sẽ khó khăn trong việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Để giải quyết tình trạng khó khăn trên, Giám đốc Sở Y tế đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc giải quyết hợp đồng lao động có thời hạn làm công tác chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Sở Y tế kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương để các đơn vị sự nghiệp y tế được hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn đến 31.12.2019 và tự cân đối nguồn kinh phí để chi trả lương cho cán bộ hợp đồng từ dịch vụ khám, chữa bệnh.

Đồng thời, kiến nghị tỉnh xem xét việc cắt giảm biên chế đối với đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y trong giai đoạn 2019-2021 và cho chủ trương thi tuyển viên chức đối với các biên chế chưa sử dụng tại các đơn vị sự nghiệp, để đảm bảo nhân lực hoạt động cho các đơn vị.

Bài, ảnh: TRÍ PHONG


.