Việc làng, "đất vàng" cũng hiến

02:04, 18/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từng tấc đất thấm đẫm mồ hôi khai hoang, cải tạo thành đất sản xuất. Vậy mà, gia đình chị Phạm Thị Trắc ở thôn Ba Nhà, xã Ba Giang (Ba Tơ) đã không ngần ngại hiến hơn nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông, giúp cho đường về làng trở nên thuận tiện.

TIN LIÊN QUAN

Ba Nhà là thôn đặc biệt khó khăn của xã Ba Giang, địa hình hiểm trở. Từ trung tâm xã, muốn đến các thôn, tổ phải băng rừng. Ở các vùng hẻo lánh chỉ có vài hộ dân sống biệt lập giữa mênh mông đại ngàn. Nhưng nay thì mọi chuyện đã khác.

Tự nguyện hiến đất mở đường

Hơn 7 giờ sáng, xóm làng nằm dưới những dãy núi lớn xã Ba Giang đâu đâu cũng rộn ràng. Ai cũng vui tươi, phấn chấn trên đường lên rẫy hay xuống chợ huyện. “Giờ thì khỏe cái vai, cái chân nhiều lắm rồi! Bà con đi làm, trẻ con đi học thuận tiện. Tất cả là nhờ có mấy con đường mới mở”, một người dân phấn khởi cho biết về những con đường mới mở rộng nơi làng họ.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN   Con đường Gò Lút được gia đình chị Phạm Thị Trắc hiến đất để làm đường.
Con đường Gò Lút được gia đình chị Phạm Thị Trắc hiến đất để làm đường.


Năm 2017, vợ chồng chị Trắc mới tách khẩu ra ở riêng và thuộc diện hộ nghèo của xã. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp không ít khó khăn bởi thiếu vốn, thiếu đất sản xuất... Khó khăn là vậy, nhưng khi xã vận động, thì gia đình chị Trắc đã không ngần ngại hiến trên 1.500m2 đất sản xuất của gia đình để mở đường.

Hỏi về chuyện hiến đất, ánh mắt cả hai vợ chồng chị Trắc ánh lên niềm vui. Chị Trắc kể: Ngày trước, bà con không có đường đi, nếu muốn ra khỏi làng thì phải men theo những con đường nhỏ sát vực núi, vừa hẹp, vừa nguy hiểm. Khi thôn vận động hiến đất để làm đường, lúc đầu vợ chồng cũng phân vân, vì đất trồng trọt còn đang thiếu, ai lại mang đi hiến. "Nhưng rồi hai vợ chồng bàn nhau, mình nghèo thì cũng nghèo rồi, việc mở rộng đường, giúp bà con đi lại bớt nguy hiểm là điều rất cần thiết. Nghĩ thế, nên hai vợ chồng đã gật đầu đồng ý”, chị Trắc cười hiền.

Nhờ việc hiến đất của vợ chồng chị Trắc mà con đường Gò Lút sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, với chiều dài hơn 4km, rộng hơn 3m. “Mảnh đất chúng tôi hiến trước đây trồng keo mỗi năm mang lại một khoản thu nhập đáng kể, nhưng không vì vậy mà tôi tiếc. Có đường mới, bà con đi lại sẽ dễ dàng hơn”, anh Đinh Văn PLung, chồng chị Trắc cho biết thêm.

Dù khốn khó vẫn làm việc có ý nghĩa

Việc gia đình chị Trắc hiến cả nghìn mét vuông đất khiến ai cũng cảm phục. Bởi ai trong làng cũng hiểu điều kiện kinh tế của gia đình chị vốn còn khó khăn. Hàng nghìn mét vuông đất sản xuất ấy là một phần nguồn thu nuôi sống cả gia đình. Chị Trắc thật thà chia sẻ: "Cán bộ thôn, xã đến nhà nói cần đất làm đưởng cho bà con. Tiền bạc không có, nhưng mình thì có đất. Đó cũng là gia tài, là nguồn mưu sinh của gia đình, nhưng vì việc chung, nên mình tự nguyện hiến đất".

Vợ chồng chị Phạm Thị Trắc kể về chuyện hiến cả nghìn mét vuông đất để làm đường.
Vợ chồng chị Phạm Thị Trắc kể về chuyện hiến cả nghìn mét vuông đất để làm đường.


Vốn đã nghèo, nên khi đã hiến đất, những thiếu thốn, khó khăn lại càng "thường trực" trong căn nhà nhỏ dựng bằng gỗ mà vợ chồng chị Trắc vay tiền Nhà nước đến giờ vẫn chưa trả xong, phía bên trong không có gì giá trị ngoài chiếc ti vi cũ.

Đôi vợ chồng trẻ người dân tộc Hrê giờ chỉ còn hai sào keo, bên cạnh nhà có đám ruộng nhỏ, nhưng sản xuất không đủ gạo ăn. Hằng ngày, vợ chồng chị Trắc vẫn đi làm keo, hoặc ai thuê việc gì thì làm nấy để kiếm sống mà chẳng nề hà. Và họ tin với sức trẻ, sự chịu khó, đồng tâm của cả hai vợ chồng, những nhọc nhằn rồi sẽ qua đi...

 

Bài, ảnh: TRUNG ÂN



 


.