Tuổi trẻ Bình Thới với mô hình quầy hàng "không" giá

09:04, 29/04/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Trong vòng một tháng trở lại đây, nhiều người qua lại trên tỉnh lộ 621, đoạn qua xã Bình Thới, huyện Bình Sơn không khỏi tò mò, ngạc nhiên trước sự xuất hiện của một quầy bán hàng với tên gọi Quầy hàng “không” giá.
ad
Mô hình ngày càng gây thiện cảm và nhận được sự ủng hộ của những người dân địa phương.
 
Qua tìm hiểu, đây là một mô hình được Đoàn thanh niên xã Bình Thới phát động và duy trì trên địa bàn xã suốt một tháng vừa qua cùng sự hỗ trợ của Thường trực Đảng ủy, UBND xã Bình Thới, với mục đích gây thêm quỹ cho các hoạt động thiện nguyện ở địa phương.
 
Quầy hàng “không giá” ở đây có nghĩa là: Không có giá trị về mặt tiền bạc. Những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp ở xã khi đến đây đều sẽ được mua bất cứ mặt hàng nào có trong quầy với mức giá bất kì mà bản thân có thể chi trả. Mặt khác, những hộ dân trong và ngoài xã có thể đến mua hàng với mức giá như giá thị trường rồi ủng hộ tiền thừa để gây quỹ.
 
Cứ mỗi sáng sớm chủ nhật hằng tuần, những đoàn viên, thanh niên và tình nguyện viên thay nhau đưa rau, củ, dầu ăn, gia vị... đến địa điểm để bày trí nhằm thu hút khách hàng. Nguồn rau được cung cấp cho quầy hàng đều là những luống rau tươi xanh được trồng ở mô hình rau sạch của xã. Còn những nhu yếu phẩm thường ngày khác được mua với giá thấp hơn giá thị trường hoặc được các mạnh thường quân đóng góp. 
 
a2
Đây cũng là cách để đem nông sản sạch địa phương quảng bá rộng rãi với người tiêu dùng.
 
Là một khách hàng thường xuyên của quầy hàng “không” giá, cô Nguyễn Thị Tình cho biết, đây là một mô hình hay và đáng được nhân rộng. Mức giá ở quầy hàng cũng tương đương với mức giá được bán ở những địa điểm khác. Tuy nhiên, khách hàng ở đây đa phần sau khi mua hàng sẽ từ chối nhận lại tiền thừa để ủng hộ vào quỹ của quầy hàng.
 
“Ủng hộ bằng tiền mặt thì mình chỉ có thể ủng hộ 1-2 lần rồi thôi. Nhưng nếu mua hàng rồi ủng hộ ít tiền thừa thì bà con mình có thể ủng hộ thường xuyên. Làm gì có ai ở quê mà hằng ngày không đi mua thức ăn về cho gia đình” – Cô Tình nói.
 
Tất cả số tiền thu được từ quầy hàng sẽ nhanh chóng được chuyển sang trợ giá mua hàng tại quầy cho các hoàn cảnh khó khăn trong xã. Những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được cấp cho một phiếu mua hàng. Vào mỗi sáng chủ nhật, những hộ dân này sẽ đem phiếu đến để mua những mặt hàng bất kì và thanh toán số tiền mà mình có thể chi trả (thấp hơn nhiều so với giá thị trường).
 
Giải thích về việc này, anh Lê Kinh Đô, Bí thư Đoàn thanh niên xã Bình Thới cho rằng, việc không đến tặng trực tiếp mà để các hộ khó khăn đến mua hàng với bất kì giá nào sẽ tạo cảm giác không mặc cảm trong chính bản thân họ. “Làm như thế sẽ khiến cho nhiều người khó khăn có cảm giác những món đồ mà họ đang cầm trên tay là do chính mình mua được chứ không hề xin xỏ bất cứ ai” – anh Đô chia sẻ.
 
a3
Những tấm phiếu trợ giá được phát cho những hộ thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
 
Qua quá trình một tháng triển khai, mô hình quầy hàng “không” giá đang ngày càng phát triển và tạo được sự quan tâm của nhiều hộ dân ở địa phương đến mua hàng cũng như các mạnh thường quân.
 
Bên cạnh mục đích chính giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn thì mô hình này cũng nhằm tiêu thụ, quảng bá, phát triển thương hiệu rau sạch của xã Bình Thới. Trên mỗi sản phẩm lấy từ cánh đồng rau sạch đều được dán nhãn địa chỉ, tên người trồng... như một phương pháp để người dân địa phương có thể nhận biết thương hiệu. Từ đó thúc đẩy việc tiêu thụ rau sạch của người dân trên địa bàn xã.
 
Đông Anh

.