Siết chặt quản lý chó thả rông

02:04, 15/04/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Hành vi không đeo rọ mõm, không xích giữ, không tiêm phòng dại cho chó… có thể bị phạt từ 600-800 nghìn đồng. Luật đã ban hành, nhưng lâu nay, việc xử phạt các trường hợp vi phạm dường như bị bỏ ngỏ.
Người nuôi còn chủ quan
 
Những ngày qua, dư luận chưa hết xót xa, lo lắng khi nghe tin cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó thả rông cắn đến tử vong. Xót xa vì thương cảm cho cháu bé nhỏ tuổi đã bị hành hạ đau đớn đến chết bởi đàn chó hung dữ.
 
Còn lo lắng là vì từ sự vụ ấy, khi nhìn lại thực tế, ở địa phương nào trên đất nước hình chữ S này, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh những con chó thả rông, lang thang khắp nơi ngày qua ngày. Rồi liệu có còn tiếp diễn những tai nạn tương tự cho ai khác?
 
Nhiều người còn chủ quan trong việc thả rông chó mà không nghĩ đến những hiểm họa cho sức khỏe, tính mạng của người khác
Nhiều người còn chủ quan trong việc thả rông chó mà không nghĩ đến những hiểm họa cho sức khỏe, tính mạng của người khác.
 
Tại Quảng Ngãi, người ta chưa hết bàng hoàng vì vụ việc ở Hưng Yên, thì lại “giật mình” bởi thông tin 6 học sinh tiểu học bị cắn bởi một con chó thả rông ngay trong khuôn viên trường học ở xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi. Chưa lúc nào, chuyện những con chó thả rông lại được bàn tán xôn xao như thời điểm hiện tại.
 
Theo thống kê của ngành chức năng, tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh là khoảng 150 nghìn con. Tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, miền núi. Và hầu hết chúng được thả rông theo tập quán từ bao lâu nay.
 
Lý do những chủ nuôi thả rông chó đưa ra thường là, chó của họ "hiền lành, thân thiện", "gần gũi với mọi người", "chưa cắn ai bao giờ"... nên không cần đeo rọ mõm. Bà Hồ Thị Xuân- Chủ nuôi con chó cắn liên tiếp nhiều học sinh ở xã Tịnh Hòa phân trần: “Thường ngày nó rất hiền và gần gũi với mấy đứa nhỏ. Có bao giờ nó cắn ai đâu. Không hiểu sao bữa đó nó lại như vậy”.
 
Thống kê trên địa bàn tỉnh, mỗi năm có hơn 3 nghìn trường hợp bị vật nuôi cắn phải điều trị dự phòng, trong đó chó cắn chiếm tỷ lệ hơn 80%. Đặc biệt, mỗi năm Quảng Ngãi đều ghi nhận 1-2 trường hợp tử vong do bệnh dại từ vết thương bị chó cắn.
 
Cũng vì sự chủ quan của một hộ dân, 6 học sinh ở Tịnh Hòa đã bị chó thả rông cắn trong sân trường
Cũng vì sự chủ quan của một hộ dân, 6 học sinh ở Tịnh Hòa đã bị chó thả rông cắn trong sân trường
 
Thực tế đã rõ, hàng loạt vụ việc chó cắn người gây chấn thương, thậm chí tử vong. Những vụ việc đau lòng đã xảy ra, một phần bắt nguồn từ cách nghĩ chủ quan như thế.
 
Cần siết chặt quản lý
 
Nhà nước đã ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định rõ ràng về công tác phòng chống bệnh dại và nuôi chó. Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng... bị phạt tiền từ 600-800 nghìn đồng.
 
Nhưng bất chấp các quy định, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm tự do chạy nhảy vẫn phổ biến ở những khu vực công cộng, gây nguy hiểm cho nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
 
Chị Lê Thị Thanh- ngụ ở phường Trần Phú phàn nàn: Mỗi sáng tôi hay đi tập thể dục ở tuyến đường Trương Định- Hai Bà Trưng, ngày nào, tôi cũng bắt gặp ít nhất 10 con chó thả rông trên đường. Có rất nhiều người đã bị ví, cắn bởi chúng. Thiệt hại về sức khỏe thì mình chịu, còn xử lý, nuôi nhốt chúng bao lâu nay sao không ai quan tâm.
 
“Chỉ vì những người lớn nuôi chó mà không tuân thủ quy định của pháp luật, không quản lý chó mà người khác phải hứng chịu hậu quả. Thực sự tôi rất lo lắng”- chị Thanh bày tỏ.
 
Quảng Ngãi mới chỉ có 30% trong tổng số 150 nghìn con chó được tiêm phòng mỗi năm
Quảng Ngãi mới chỉ có 30% trong tổng số 150 nghìn con chó được tiêm phòng mỗi năm
 
Theo quy định của Bộ NN&PTNT, tỷ lệ tiêm phòng dại phải đạt từ 70% trở lên trên tổng số đàn chó của mỗi địa phương. Tuy nhiên, ở Quảng Ngãi, tỷ lệ này chỉ dừng lại khoảng 30%, tức là khoảng dưới 50 nghìn con chó trên tổng số đàn chó 150 nghìn con trong tỉnh được tiêm phòng dại mỗi năm.
 
Ông Nguyễn Văn Thuận- Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho hay: Chính những con chó thả rông không được tiêm phòng dại là tác nhân khiến bệnh lây lan. Trong khi đó, công tác phòng chống dại của tỉnh gặp khó khăn nhất định. Các chủ hộ nuôi không biết những quy định về quản lý chó, tiêm phòng dại cho chó.
 
Theo quy định, ngành Thú y quản lý công tác tiêm phòng dại cho đàn chó, còn chính quyền địa phương có trách nhiệm thành lập các tổ, đội bắt và xử lý chó thả rông. Đồng thời, xử phạt các trường hợp vi phạm. Song, tại Quảng Ngãi, chưa có địa phương nào làm được điều này. 
 
Ngay từ bây giờ, để tránh những vụ việc đau thương từ hành vi thả rông chó và nguy cơ bệnh dại lây lan, ngành Thú y cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc nuôi chó, tiêm phòng định kỳ. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương nâng cao giám sát, kiểm tra để xử phạt các hành vi vi phạm trong nuôi chó một cách triệt để và nghiêm khắc!
 
Thiên Vương

.