Phía sau những "bữa tiệc" hoành tráng giữa đại ngàn

03:04, 30/04/2019
.
(Baoquangngai.vn)-  Cùng với nhiều lễ hội truyền thống khác, lễ đâm trâu, là phong tục mang ý nghĩa tâm linh rất phổ biến của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Cadong ở huyện miền núi Sơn Tây nói riêng. Tuy nhiên, đằng sau phong tục này vẫn còn nhiều điều suy ngẫm… 
Lễ đâm trâu kéo dài gần nửa tháng!
 
Cứ vào độ tháng 2, tháng 3 (âm lịch) hằng năm, khi hoa gạo rực rỡ trên những cánh rừng, có dịp lên huyện miền núi Sơn Tây, chúng tôi thi thoảng lại nghe tiếng cồng chiêng vang lên trên những bản làng của vùng cao này. Đây là  thứ âm thanh quen thuộc phát ra từ lễ đâm trâu (ăn trâu, hiến trâu) của đồng bào Cadong. 
 
Cũng giống như những dân tộc khác, người Cadong tổ chức lễ đâm trâu là để tạ ơn thần linh, xua đuổi bệnh tật, cầu sự bình an, ngăn cản muông thú, chim chóc không phá hoại rẫy nương, cho mùa màng tươi tốt, dân làng sống hòa thuận, vui vẻ  và đem lại sự may mắn cho người thân trong gia đình… 
 
Trong căn nhà sàn nằm sâu trong xóm nhỏ ở thôn Nước Min xã Sơn Mùa, ông Đinh Văn Nớ cùng những người trong gia đình, hàng xóm đang làm cây nêu trước nhà và trang trí xung quanh nhà để chuẩn cho nghi lễ đâm trâu sắp tới của gia đình. Đây là lần thứ 2 nhà ông tổ chức lễ đâm trâu, lần đâm trâu trước cách đây đã 5 năm. 
 
“Đâm trâu là một tập tục lâu đời của người Cadong. Gia đình nào có được vụ mùa bội thu hay có người bị bệnh thì tổ chức đâm trâu. Muốn được tổ chức lễ đâm trâu, phải chuẩn bị cả năm trời và phải được sự đồng ý của các già làng. Ba ngày nữa là nhà mình làm lễ đâm trâu tạ ơn Giàng (trời) đã cho gia đình mình có vụ mùa bội thu được nhiều lúa”, ông Nớ nói và cho hay đến ngày lễ đâm trâu, bất kỳ ai, không kể quen biết hay họ hàng đều đến ăn uống được.

 

Sừng trâu của lần đâm trâu trước được gia đình ông Nớ treo trang trọng trong nhà
Sừng trâu của lần đâm trâu trước được gia đình ông Nớ treo trang trọng trong nhà
 
Để chuẩn bị cho lễ đâm này, các thành viên trong gia đình ông Nớ và nhiều thanh niên trai tráng trong làng phải bắt đầu chuẩn bị làm cây nêu, trang trí cầu thang, trong nhà, làm sàn nhà và những vật dụng trong lễ từ hơn nửa tháng nay. 
 
Cùng với công việc trang trí, ông Nớ còn chọn mua con trâu đực khỏe mạnh để hiến tế thần linh, mua thêm heo, gà, hàng chục ché rượu cần, hàng chục bao lúa rẫy... để thết đãi dân làng trong những ngày diễn ra lễ đâm trâu chính thức.
 
Lễ đâm trâu theo phong tục của người Cadong kéo dài trong nhiều ngày. Tính từ ngày ủ rượu cần cho đến khi kết thúc lễ là 11 ngày, trong đó chính lễ diễn ra trong 2 ngày.
 
Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 6 gia chủ chuẩn bị rượu cần, hoàn thiện cây nêu, giã gạo, chặt nứa, đi mời bà con thân thuộc, làng bản và bắt đầu làm lễ cúng trong nhà.
 
Ngày chính lễ vào ngày thứ bảy, khi họ hàng khách khứa đến đông đủ, gia đình làm lễ dựng nêu, gồm các nghi thức cúng cây nêu, xỏ mũi trâu, trang trí hoa Riăng klung lên hai sừng trâu… cùng hàng loạt lễ cúng đất, cúng máng nước, cúng ngã ba, cúng bếp,...
 
Già Đinh Văn Lên (72 tuổi) ở xã Sơn Dung cho hay, nghi lễ đâm trâu tiến hành vào ngày thứ tám, thường là vào lúc mờ sáng. Trước khi đâm trâu, thầy cúng sẽ thực hiện nghi lễ của lễ panai (xin keo bằng những hạt gạo), xin thần linh cho đâm trâu. Kết thúc lễ này, thầy cúng và người chủ gia đình làm lễ cúng con trâu và tiến hành đâm trâu. Suốt ngày thứ tám, thứ chín tất cả mọi người ăn uống, múa hát, đánh chiêng,… 
 
Ngày thứ mười, gia đình làm lễ tiễn thầy cúng, những người tham gia ăn trâu đi phát rẫy phép cho gia đình tổ chức lễ ăn trâu. Ngày thứ mười một, tất cả các thành viên trong gia đình nghỉ ở nhà, cấm kỵ  mọi người ra khỏi nhà cũng như không ai được vào nhà. 
 
Nghi thức làm lễ
Chuẩn bị các nghi lễ để tiến hành đâm trâu
 
Đồng bào Cadong ở vùng cao Sơn Tây quan niệm, ngày vào lễ đâm trâu, khách đến "ăn trâu" càng đông thì thần linh càng phù hộ cho gia đình nhiều sức khỏe, mùa màng càng bội thu. 
 
“Chính vì vậy, mỗi khi trong làng có gia đình nào tổ chức lễ đâm trâu thì cả làng từ trẻ nhỏ đến người già được mời đến ăn uống. Dân làng tạm gác hết mọi công việc nương rẫy ở nhà ăn uống, vui chơi, đánh chiêng nhảy múa. Người nào uống say, mệt thì lăn ra nhà sàn ngủ, sau đó thức dậy tiếp tục ăn uống trong suốt mấy ngày liền”- già Lên bộc bạch.  
 
Sau lễ đâm trâu… là nợ
 
Khác với các dân tộc khác ở đại ngàn, bà con đồng bào Cadong ở huyện miền núi Sơn Tây thường tổ chức lễ đâm trâu theo từng gia đình, cộng đồng chỉ cần đóng góp công sức mà không cần đóng góp tiền của. Chính vì vậy, lễ đâm trâu của người Cadong thường rất tốn kém cho gia đình người chủ. 
 
Ngoài mổ thịt con trâu hiến tế, họ phải tốn heo, gà, rượu… để chiêu đãi bà con họ hàng và người dân trong làng có khi lên đến hàng trăm người trong nhiều ngày liền. Người giàu có thì không sao, người nghèo thì phải vay mượn.
 
Dù tốn kém và không ít hộ gia đình sau lễ đâm trâu với những “bữa tiệc” hoành tráng  lâm vào hoàn cảnh nợ nần. Song đã “trót hứa” với Giàng và với quan niệm đâm trâu sẽ giúp họ có được sức khỏe, lễ càng to vị thế gia đình trong cộng đồng làng càng lớn nên rất nhiều gia đình chấp nhận.
 
Lúc chúng tôi đến nhà, ông Đinh Văn Poang ở thôn Huy Ra Lung, xã Sơn Mùa, dù lễ đâm trâu đã diễn ra cách đây vài ngày, thế nhưng trong nhà ông Poang vẫn có rất nhiều người tụ tập ăn nhậu, nhảy múa. Tiếng cồng chiêng vang dội một góc rừng.
 
Trong căn nhà sàn trống hoác, của cải chẳng có gì ngoài cái sừng trâu treo ở cột nhà và những ché rượu nằm chỏng chơ trên sàn nhà là hơn cả chục người vừa nhảy múa đánh chiêng, vừa uống vừa chuốc rượu nhau.  
 
Năm nay ở xã, ông Poang là nhà thứ hai đâm trâu. Dù thuộc diện hộ nghèo của xã, thế nhưng, ông Đinh Văn Poang vẫn “chơi sang” bỏ ra gần cả trăm triệu để tổ chức lễ đâm trâu vì đã hứa với Giàng từ mấy năm trước. 
 
“Mình đâm trâu thì Giàng, thần linh mới che chở, đuổi con ‘ma bệnh’ về rừng, gia đình sẽ không có người ốm đau, mùa màng sẽ bội thu, nên dù tốn kém mấy mình cùng phải vay mượn để tổ chức đâm trâu’- ông Poang nói trong men rượu lâng lâng.
 
Để tổ chức lễ đâm trâu, ngoài bán rẫy keo được mười mấy triệu, ông còn phải vay mượn hàng chục triệu đồng để mua 1 con trâu đực khỏe mạnh hơn 30 triệu đồng, 8 con heo, hơn chục gà, hàng chục ché rượu, gạo và nhiều vật dụng khác.  
 
Với bà con đồng bào Cadong, một khi đã hứa với Giàng, với thần linh là tạ ơn khi thu hoạch mùa màng bội thu, gia đình có người ốm đau hết bệnh thì dù khó khăn mấy họ cũng cố “chạy” để có tiền mua trâu, heo gà… làm lễ đâm trâu, cúng Giàng.  
 
Bình quân, mỗi gia đình tổ chức tổ chức lễ đâm trâu tốn kém từ 40-50 triệu đồng, thậm chí có những hộ hết gần 100 triệu đồng. Đó là một số tiền lớn đối với người dân miền núi quanh năm chỉ biết có nương rẫy, lo bữa ăn qua ngày và trong vào sự trợ cấp của Nhà nước. 
 
Sau lễ hội đâm trâu với những “bữa tiệc” hoành tráng, con vật hiến tế và nhiều heo gà, gạo… ra đi, để lại là những món nợ chồng chất mà nhiều người phải mất nhiều năm mới trả hết được nợ. 
 
Ngồi buồn bên ngôi nhà sàn sập xệ, ông Đinh Văn Nú ở xã Sơn Liên buồn bã cho biết, ba năm trước, vợ, con thường xuyên đau ốm, làm ăn không được nên ông Nú với vợ bàn nhau vay mượn tiền tổ chức lễ đâm trâu để xua đuổi “con ma”, cầu thần linh phù hộ sức khỏe, may mắn. Tuy nhiên, suốt 3 năm qua ông  phải gồng mình làm thuê góp tiền để trả nợ mà vẫn chưa trả xong món nợ hơn 40 triệu đồng gia đình ông vay mượn để tổ chức lễ đâm trâu. 
 
“Nhà nghèo nên mình muốn tổ chức lễ đâm trâu phải vay mượn nhiều người mới đủ tiền, giờ nhà không còn gì, nương rẫy cũng bán rồi, mình làm thuê cho người ta cũng chỉ đủ chạy ăn từng bữa, không biết đến bao giờ mới trả đủ tiền cho người ta”- vừa nói, ông Nú vừa đưa mắt nhìn xa xăm. 
 
Ngồi nhẩm tính số hộ dân trong xã tổ chức đâm trâu, ông Hà Phải- Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa cho biết: Đến thời điểm này, đã có 5 hộ dân trong xã đăng ký tổ chức lễ đâm trâu. So với năm trước có giảm hơn nhờ địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân, nhưng để xóa bỏ phong tục này thì cần phải có thời gian lâu dài. 
 
Không gia đình rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu sau lễ đâm trâu
Không gia đình rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu sau lễ đâm trâu
 
Nhờ công tác tuyên truyền vận động nên phong tục đâm trâu ở huyện vùng cao Sơn Tây thời gian qua đã có xu hướng giảm. Song hiện nay, phong tục này vẫn còn diễn ra trong các bản làng ở xã Sơn Mùa, Sơn Dung, Sơn Bua, Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Tinh .
 
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng chia sẻ: Lễ đâm trâu là phong tục truyền thống của bà con đồng bào Cadong ở huyên miền núi Sơn Tây nhằm cầu mong những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tích cực thì nó ảnh hưởng đến kinh tế của người dân, nhất là những hộ dân nghèo. 
 
“Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động người dân dần xóa bỏ phong tục này, nhất là đau ốm thì phải đến Trung tâm y tế để khám chữa bệnh. Dù thời gian qua, người dân tổ chức đâm trâu đã giảm dần, song, do đây là phong tục đã ăn sâu vào tiềm thức nên việc thay đổi nhận thức của người dân cần có thời gian để họ thay đổi dần dần”- ông Lê Văn Tùng- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho hay. 
 
Bảo Ngọc
 

.