Phát triển nghề ở nông thôn: Tiền đề để giữ các tiêu chí mềm

03:04, 14/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, các xã: Phổ An (Đức Phổ), Đức Phong (Mộ Đức) và Bình Chánh (Bình Sơn) đã phát triển nhiều cơ sở may gia công tại địa phương. Các cơ sở này không chỉ giải quyết việc làm cho lao động  địa phương, mà còn là tiền đề để giữ vững các tiêu chí mềm trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

TIN LIÊN QUAN

Tạo việc làm cho lao động nông thôn

Không còn cảnh vất vả vào miền Nam mưu sinh, hơn 2 năm qua, anh Huỳnh Xuân Gôn, ở thôn An Thạch, xã Phổ An đã có việc làm ổn định ngay tại quê nhà. Anh được nhận vào làm tại cơ sở may gia công của chị Tô Thị Thanh Thảo, với thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/tháng.

Anh Gôn cho biết: “Hồi trước, cũng với công việc này, mình phải làm việc suốt ngày trong xưởng, còn bây giờ thì thời gian thoải mái hơn. Công việc cũng giống nhau, nhưng mình có thể phụ giúp gia đình khi nhà có việc cần. Làm việc ở quê không tốn tiền thuê nhà, mỗi tháng vẫn có một khoản tiền dư để lo cho cuộc sống”.

 Duy trì và phát triển các cơ sở may gia công ở nông thôn không những giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mà còn là tiền đề giữ vững các tiêu chí mềm trong xây dựng NTM.
Duy trì và phát triển các cơ sở may gia công ở nông thôn không những giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mà còn là tiền đề giữ vững các tiêu chí mềm trong xây dựng NTM.


Cơ sở may gia công của vợ chồng chị Tô Thị Thanh Thảo hoạt động từ năm 2013, đến nay giải quyết việc làm cho gần 20 lao động trong thôn. Chị Thảo cho biết: “Hầu hết lao động ở đây đều có tay nghề, vì trước đó họ từng làm ở các công ty may ở TP.Hồ Chí Minh. Tuy công việc được chia theo công đoạn, nhưng ai cũng thấy thoải mái vì được làm việc gần nhà, có điều kiện lo cho gia đình, con cái”.

Tại xã Đức Phong và Bình Chánh cũng hình thành và phát triển nhiều cơ sở may gia công, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Phong Nguyễn Thị Điệp cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có vài cơ sở may gia công ở thôn Thạch Thang và Văn Hà. Mỗi cơ sở tạo việc làm cho từ 5 – 15 lao động. Nhờ có việc làm ở quê, việc ly hương vào các xã phía Nam để mưu sinh của người dân cũng ít dần”.

Tiền đề giữ vững các tiêu chí mềm

Việc duy trì và phát triển các cơ sở may gia công tại địa phương không chỉ giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động nông thôn, mà còn là tiền đề để giữ vững các tiêu chí về thu nhập (số 10), về lao động có việc làm (số 12) trong chương trình xây dựng NTM. Theo thống kê của các xã này, hiện tại mức thu nhập của người dân đạt từ 30 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu so với tiêu chí NTM đề ra. Bên cạnh đó, số lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần giúp các địa phương nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, văn hóa...

Chủ tịch UBND xã Phổ An Nguyễn Tấn Mỹ cho hay: “Tiêu chí số 10 và 12 là các tiêu chí động, nên rất dễ thay đổi. Chính vì thế, việc duy trì và phát triển các ngành, nghề ở nông thôn luôn được xã quan tâm. Đến nay, nhiều hộ đã thành lập các cơ sở may gia công, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động địa phương. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở này hoạt động mang lại hiệu quả cao”.

Xã Bình Chánh được xem là “cái nôi” của mô hình thành lập cơ sở may gia công. Riêng tại thôn Mỹ Tân, năm 2012 chỉ có vài chục hộ thành lập mô hình này, nhưng đến nay đã có hơn 500 hộ dân tham gia. Số lượng lao động nông thôn có việc làm ổn định tại địa phương cũng tăng từ 400 – 600 người. Nhờ đó, phần lớn người dân ở đây không còn phải ly hương, có việc làm ổn định ở địa phương, đóng góp rất lớn vào phong trào xây dựng NTM ở địa phương.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


 


.