Những bát cháo ấm lòng bệnh nhân

09:04, 18/04/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Đều đặn vào mỗi sáng ngày mồng một và ngày rằm Âm lịch hằng tháng, phật tử chùa Từ Vân lại quây quần cùng nhau nấu những nồi cháo từ tâm cho bệnh nhân nghèo đang chữa trị tại Trung tâm Y tế huyện. Dần dà, cái tên “Hội cháo Từ Vân” ra đời và duy trì được 10 năm nay.
 
Hội cháo “U50”
 
2 giờ sáng ngày mồng một, khi mặt trời chưa ló dạng, tiếng chuông chùa còn chưa vang vọng, dưới căn bếp nhỏ của chùa Từ Vân, trên đường Tu Nhân Đạo, tổ dân phố 3, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn đã rộn rã tiếng nói cười của phật tử. Họ tập trung về đây để tiếp tục công việc của mình là nấu cháo chay miễn phí, phát tâm trao tặng cho bệnh nhân nghèo.
 
Thành viên trong Hội cháo Từ Vân đa phần đều đã trên 50 tuổi. Ông Nguyễn Cảnh Huy, 52 tuổi, là một trong những người gắn bó với hội lâu năm nhất. Từ khi thành lập đến nay, không một bữa nào ông vắng mặt.
 
Ông Huy bộc bạch, ở Hội cháo Từ Vân mình được chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống hằng ngày với các phật tử. Và, quan trọng hơn cả là được làm việc thiện tích đức ở đời. Quen rồi, nên cứ đến những ngày nấu cháo là không tài nào chợp mắt được, cố đợi để tới chùa đúng giờ tham gia cùng mọi người.
 
Các chị, em Hội cháo Từ Vân chuẩn bị các thực phẩm cần thiết để nấu cháo.
Thành viên Hội cháo Từ Vân chuẩn bị các thực phẩm cần thiết để nấu cháo.
 
Nể trọng, nhiều phật tử xem ông Huy như “cánh chim đầu đàn” của Hội cháo Từ Vân, với khoảng 20 thành viên thường xuyên tham gia đóng góp tiền và nấu cháo. Ngay cả trụ trì của chùa còn tín nhiệm giao cho ông Huy chìa khóa cổng, phục vụ việc mở cổng cho các nhóm.
 
“Nồi cháo Từ Vân không phải do tôi nghĩ ra mà phát xuất từ ý tưởng của các phật tử khác. Họ đã nghĩ ra nó từ những năm 2009, khi phong trào nấu cháo từ thiện còn chưa phổ biến ở Quảng Ngãi. Tôi chỉ là lớp người kế thừa và phát triển thêm thôi”- ông Huy cho hay.
 
Ngày trước, ngoài việc nấu cháo cho các bệnh nhân, người nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, những thành viên trong hội cũng từng thuê xe chở cháo vào tận Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cách xa hàng chục cây số để phát cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn khác, cũng là để nhân rộng mô hình và tăng số lượng người được thụ hưởng.
 
Để nấu được những nồi cháo thơm ngon, đủ chất dinh dưỡng, mọi người phải dậy từ sáng sớm và đứng hàng giờ để nấu.
Để nấu được những nồi cháo thơm ngon, đủ chất dinh dưỡng, mọi người phải dậy từ sáng sớm và đứng hàng giờ bên bếp lửa.
 
Bà Nguyễn Thị Liễu, 53 tuổi, “đầu bếp chính” của hội nói với giọng hào sảng rằng, trong nhóm tôi là người có thời gian rảnh rỗi nhiều để nấu cháo vì cuộc sống thường ngày không quá bận rộn. Nấu cháo từ tâm nơi cửa Phật là điều tôi tâm đắc, vì sẻ chia với cộng đồng là việc cần thiết. 
 
Chẳng ai bảo ban ai, cứ vậy, vào buổi chiều trước ngày mồng một và ngày rằm, các thành viên lại đến chùa, mỗi người mỗi việc từ đi chợ mua gạo, nguyên liệu đến phân loại, nhặt rửa để làm sao cho kịp nấu cháo vào ngày hôm sau. 
 
“Nấu cháo cho người bệnh phải luôn chú ý vì sức khỏe họ không tốt. Cháo không ngon thì họ cũng chẳng muốn ăn. Vì thế thực phẩm phải sạch, chế biến thật kỹ. Nấu phải vừa vặn, ngon, nhất là phải canh để cháo không khê, khét. Muốn vậy phải đứng hàng giờ để đảo đều tay, canh lửa. Dậy sớm mệt thật nhưng nghĩ mang được niềm vui cho mọi người là tôi có động lực liền”- bà Liễu bộc bạch thêm. 
 
Khi gà cất tiếng gáy, chùa Từ Vân vọng tiếng kinh cũng là lúc công việc nấu cháo kết thúc. Cả hội lại tất bật chuẩn bị phương tiện, nhân lực để chở 3 nồi cháo thẳng đến Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn trao cho bệnh nhân. 
 
Lan tỏa “hương thơm”
 
Chiếc xe chở cháo vừa vào đến cổng Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn thì nhận được sự chào đón, chờ đợi của hàng trăm người. Họ đã có mặt tại đây rất sớm. Từng suất cháo đầy đủ chất dinh dưỡng với các loại rau, củ quả như: nấm, đậu phộng, đậu đỏ, cà rốt, củ lan, khoai tây... cùng với một suất sữa lần lượt được trao tận tay các bệnh nhân. Mùi thơm lan tỏa khắp nơi.
 
Niềm vui của những bệnh nhân lớn tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn khi nhận phần cháo chay của phật tử.
Niềm vui của những bệnh nhân lớn tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn khi nhận phần cháo chay của phật tử.
 
Lọ mọ chống gậy từ tầng 2 xuống, bà Huỳnh Thị Sương, 79 tuổi, quê xã Bình Chương không giấu nổi cảm xúc: “Những bát cháo đầy đủ dưỡng chất và chứa đựng cả tấm lòng thơm thảo của Phật tử, là động lực để những người bệnh như tôi lạc quan hơn trong cuộc sống, vượt qua nỗi lo bệnh tật”.
 
Chỉ tầm khoảng một giờ đồng hồ là kết thúc việc trao cháo ở Trung tâm y tế. Chúng tôi tiếp tục theo chân thành viên của nhóm đi trao cháo cho người nghèo ở thị trấn với những suất cháo đã được “để phần” từ trước đó. Công việc này được chia đều cho các thành viên của hội để trao cho những hoàn cảnh đặc biệt tại khu vực mình sinh sống.
 
Biết rõ thời gian Hội cháo Từ Vân sẽ đến trao cháo nên hôm ghé thăm, ông Nguyễn Văn Phong, 65 tuổi,  ở tổ dân phố 3 đã ngồi trước hiên nhà đợi sẵn. Bị tật ở chân nên việc di chuyển của ông Phong rất khó khăn, khiến ông không thể làm được việc gì cả, cuộc sống có phần khốn khổ. “May nhờ những suất cháo từ tâm như thế này mà tôi cảm thấy được san sẻ, bớt đi mặc cảm, vì có sự sẻ chia của cộng đồng”- ông Phong tâm sự.
 
Ngoài bệnh nhân, Hội cháo Từ Vân còn trao cháo đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở các khu phố của thị trấn.
Ngoài bệnh nhân, Hội cháo Từ Vân còn trao cháo đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở các khu phố của thị trấn.
 
Từ chỗ chỉ có vỏn vẹn 2 triệu đồng kinh phí mỗi tháng thì nay Hội cháo Từ Vân đã lan tỏa “hương thơm” khắp nơi, được đông đảo người dân, phật tử tham gia, nâng tổng kinh phí đầu tư lên tới 4 triệu đồng/tháng, chia làm 2 đợt vào ngày rằm và mồng một hằng tháng, trao tặng khoảng 1.000 suất. 
“Trung bình mỗi  ngày, Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn có hàng trăm bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Trong đó, nội trú có khoảng 250 bệnh nhân. Trong số này có rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, tấm lòng thiện nguyện của các mạnh thường quân, tổ chức từ thiện như Hội cháo Từ Vân... đã mang đến niềm vui trong cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân, tiếp thêm sức mạnh để họ cố gắng vượt qua bệnh tật”- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn Võ Hùng Viễn, chia sẻ.

Đáng mừng, hội cháo ngày càng có nhiều mạnh thường quân, đơn vị, cá nhân tự nguyện đóng góp thường xuyên để hội hoạt động ổn định. Điển hình như Hội từ thiện Bình Sơn, Câu lạc bộ Aerobic huyện Bình Sơn... 

"Nồi cháo lan tỏa khắp nơi, phật tử chùa Từ Vân càng cố gắng để không phụ lòng tốt của những tấm lòng từ thiện, sự chờ đợi của bệnh nhân. Chỉ đến khi không còn sức để đảm nhận, chúng tôi mới lo tìm các thế hệ kế thừa...", ông Nguyễn Cảnh Huy, bày tỏ. 
 
Khi tất cả mọi người ở các khu phố của thị trấn đều đã bắt tay với guồng quay công việc, đó là lúc thành viên trong Hội cháo Từ Vân mới quay trở về nhà để lo cho bản thân, gia đình, con cái và đến quá nửa buổi mới bắt đầu công việc của một ngày mới.
 
10 năm ròng rã, họ vẫn cần mẫn bên nồi cháo để gửi tấm lòng thơm thảo của phật tử đến các số phận đặc biệt trong cuộc sống, khơi dậy lòng nhân ái, hướng tới chân, thiện, mỹ của tín đồ phật tử, sống tốt đời, đẹp đạo.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.