Công trình nước sạch nông thôn: Cần chuyển từ phục vụ sang dịch vụ

10:03, 26/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ nhiều nguồn vốn, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở nông thôn, nhằm cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, do quản lý yếu kém, không có nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng dẫn đến hàng loạt công trình sau khi đưa vào vận hành một thời gian đã hư hỏng, hoặc bị bỏ hoang.

TIN LIÊN QUAN

Bất cập trong cách quản lý

Theo thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT), đến cuối năm 2018 có khoảng 91% dân số nông thôn trong tỉnh sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động.

Các công trình nước sạch ở xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) vận hành hiệu quả nhờ có tổ, đội quản lý.                    ảnh: PV
Các công trình nước sạch ở xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) vận hành hiệu quả nhờ có tổ, đội quản lý. ảnh: PV

Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Lê Văn Minh cho biết: Ở các công trình cấp nước do UBND các xã, thị trấn quản lý đa số là hệ thống tự chảy, có công suất nhỏ. Khi được bàn giao quản lý, UBND các xã, thị trấn lại tiếp tục giao về cho các thôn, tổ dân phố quản lý, vận hành. Cán bộ vận hành công trình kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo, nên khi công trình gặp sự cố thường không có khả năng khắc phục.

Điều đáng nói nữa là, một số hộ dân chưa có ý thức bảo vệ công trình; còn ỷ lại Nhà nước, chưa có thói quen trả tiền dịch vụ nước. Hiện nay, hầu hết các địa phương chưa triển khai thu tiền nước và trả công cho người làm công tác quản lý, khai thác và duy tu, bảo dưỡng công trình nước sạch nông thôn tập trung. Do đó các công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.

Ngoài 31 công trình đã thanh lý, toàn tỉnh hiện có 464 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Trong đó, có 34 công trình hoạt động bền vững, 214 công trình hoạt động trung bình, 107 công trình hoạt động kém hiệu quả và 109 công trình không hoạt động. Hầu hết các công trình kém hiệu quả hoặc không hoạt động đều do UBND các xã, thị trấn quản lý.

Theo ông Lê Văn Minh, đây là tình trạng chung của các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tại xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), hiện có 2 công trình nước sạch, có công suất từ 250 - 350m3/ngày đêm. Hai công trình xây dựng từ năm 2011 - 2012, với kinh phí gần 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, 1 công trình đang tạm ngưng hoạt động vì bơm không lên nước, còn công trình kia hoạt động kém hiệu quả, do chỉ có 54 hộ dân sử dụng. Ngoài ra, tuyến ống chính bị vỡ, nên không thể cung cấp nước cho hai khu dân cư.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Long Nguyễn Anh Tuấn cho hay: “UBND xã không có chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý, vận hành công trình nước sạch; đồng thời, kinh phí để duy tu bảo dưỡng công trình và đầu tư mở rộng tuyến ống đến các khu dân cư cũng không có. Đầu năm 2018, UBND xã giao lại cho HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp xã Tịnh Long khai thác, vận hành, nhưng kết quả cũng không khả quan”.

Hiệu quả nhờ có tổ, đội vận hành

Xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) hiện có 9 công trình nước sinh hoạt đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua. Mỗi công trình nước sạch trên địa bàn xã đều có từ 1 - 2 người trực tiếp quản lý, vận hành. Chính vì có người chịu trách nhiệm quản lý, nên các công trình nước sạch đều hoạt động hiệu quả, phục vụ nhu cầu dùng nước sinh hoạt cho khoảng 95%  người dân trên địa bàn.

Chị Trương Thị Thanh Xuân, ở thôn 2, cho biết: Mỗi khi công trình nước sạch gặp sự cố, thì bà con liền báo cho người quản lý, họ sẽ nhanh chóng tìm chỗ hư hỏng, để sửa chữa. Hầu như quanh năm công trình nước sạch này cung cấp đủ nước sinh hoạt cho bà con. "Xã đã thành lập tổ, đội quản lý công trình nước sạch. Mỗi tháng các hộ dân đóng 10.000 đồng để trả công cho người quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa định kỳ. Loại hình dịch vụ này mang lại hiệu quả và bền vững", Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn Phạm Văn Sơn chia sẻ.

 Rất nhiều công trình nước sạch ở huyện núi Tây Trà bị hư hỏng, bỏ hoang nhiều năm qua.
Rất nhiều công trình nước sạch ở huyện núi Tây Trà bị hư hỏng, bỏ hoang nhiều năm qua.


Theo ông Lê Văn Minh, tình trạng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả đã tồn tại nhiều năm nay. Nguyên nhân là do đa phần người dân nông thôn vẫn coi các công trình nước sạch là phục vụ, chứ không phải dịch vụ. Còn trong số 34 công trình hoạt động bền vững, thì đều được các địa phương cũng như đơn vị quản lý chủ động thành lập các ban quản lý, có thu phí sử dụng nước để có trách nhiệm quản lý, nâng cấp. Tùy theo địa phương, mỗi hộ dân phải trả từ 5.000 - 10.000 đồng/hộ/tháng, để trả công cho người quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa định kỳ. Loại hình này hoạt động hiệu quả.

Chuyển từ phục vụ sang dịch vụ

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và duy trì hoạt động ổn định các công trình cấp nước sạch nông thôn, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư, đạt mục tiêu chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, hiện Sở NN&PTNT đang xây dựng Đề án phương thức quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung sau đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mục tiêu là thành lập các tổ quản lý khai thác, duy tu bảo dưỡng; xây dựng phương án giá và giá tiêu thụ nước sinh hoạt, thu tiền nước để có kinh phí quản lý, khai thác và duy tu bảo dưỡng.

Để phát huy được hiệu quả, về lâu dài các công trình cấp nước sinh hoạt phải chuyển từ phục vụ sang dịch vụ. Người dân không nên ỷ lại vào các đơn vị cung cấp, quản lý, vì có thu phí dịch vụ, thì các công trình mới được giữ gìn, nâng cấp, chất lượng phục vụ mới đảm bảo. Các địa phương cũng cần quyết liệt chỉ đạo và giao cho đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành có chuyên môn trong khai thác các công trình.


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN - VŨ YẾN


 


.