Hành trình kiến thiết quê hương

06:02, 10/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 30 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã kiến thiết thành một tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, với hệ thống các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp, mạng lưới giao thông, đô thị đồng bộ...

TIN LIÊN QUAN

Ký ức ngày về

Tháng 6.1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII ban hành Nghị quyết tách tỉnh Nghĩa Bình thành tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Đã 30 năm trôi qua, nhưng trong tâm trí bao thế hệ cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi vẫn còn nguyên vẹn ký ức về ngày đầu tái lập tỉnh.

Bước sang tuổi 90, sức đã yếu, nhưng khi kể chuyện những ngày đầu tái lập tỉnh, đôi mắt của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trần Cao Minh như sáng lên. Ông chia sẻ: "Với những người đã từng công tác, gắn bó từ những ngày đầu xây dựng, kiến thiết quê hương thì mỗi khi nhắc đến thời khắc "ngày về", trong tim lại dâng trào cảm xúc. Yêu mến có, tự hào có, khâm phục cũng có. Bởi vượt qua bao khó khăn, gian khó, vùng đất nghèo nhưng vô cùng kiên trung và vững vàng khí tiết cách mạng đã và đang vững bước vươn lên từng ngày...".

Tháp nước.    ẢNH: TL
Tháp nước. ẢNH: TL


Ông Minh cho rằng, việc chia tách tỉnh là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước lúc bấy giờ và là nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân, cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Nhờ có chia tách đó mà mỗi tỉnh có cơ hội tận dụng tiềm năng, tiềm lực riêng có của mình để phát triển với tốc độ nhanh hơn; cán bộ cũng sát dân hơn, chủ trương đưa ra phù hợp hơn.

"Ngay sau khi tái lập, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã lựa chọn cho mình một hướng đi đúng, xác lập lộ trình thích hợp, xây dựng tiền đề cho bước phát triển kế tiếp vững chắc hơn. Những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội được triển khai; bài toán phát huy tối đa nội lực dựa trên cơ sở khai thác hợp lý lợi thế, tiềm năng của địa phương và các nguồn lực khác được “giải” một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, làm lại từ đầu bao giờ cũng khó khăn, nhất là trong thời điểm đó, cái ưu tiên không dành cho "người ra đi". Nhưng với niềm phấn khởi lớn, trong những ngày đầu gian khó ấy, từ lãnh đạo tỉnh, đến mỗi cán bộ, đảng  viên và người dân đều nỗ lực ở mức cao nhất, để vượt qua muôn vàn khó khăn trong những ngày đầu tái lập tỉnh", ông Trần Cao Minh nhớ lại.

Khi hoàn tất thủ tục chia tách tỉnh xong, toàn bộ nguồn ngân sách chỉ vỏn vẹn có 76 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu đầu tư lúc bấy giờ... Gần nửa tháng sau, Quảng Ngãi mới được chia từ quỹ dự trữ của tỉnh Nghĩa Bình hơn 3.000 tấn thóc và 42.000 USD. Trụ sở làm việc, nhà ở cho cán bộ hết sức thiếu thốn, tạm bợ; đội ngũ cán bộ  lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật thiếu trầm trọng...

Nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hồ Thị Hạnh nhớ lại: "Ngày đầu tái lập tỉnh, khu tập thể phụ nữ tỉnh hầu hết là các gia đình từ Quy Nhơn chuyển về. Cuộc sống ngày đó khó khăn, thiếu thốn, nhưng khu tập thể luôn sống trong bầu không khí gắn bó và vui vẻ. Mỗi người, mỗi gia đình đều đã từng bước, kiên trì vượt qua khó khăn, để ổn định công việc và cuộc sống".

"Sau 30 năm tái lập tỉnh, với sự nỗ lực, kiên trì phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân qua nhiều nhiệm kỳ; sự chung sức, đồng lòng của các doanh nhân, của cộng đồng doanh nghiệp, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Quảng Ngãi đang vươn mình mạnh mẽ để sớm trở thành tỉnh khá của đất nước...".


Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh LÊ VIẾT CHỮ


Bắt tay dựng xây

Tình hình trên đòi hỏi Đảng bộ phải thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách nhằm củng cố bộ máy tổ chức, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đẩy mạnh phát triển sản xuất. Trong đó, nhiệm vụ trước hết là phải an dân, lo chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm việc cho cán bộ từ Nghĩa Bình về; chỉ đạo chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; tiếp đến là tập trung vốn xây dựng cơ bản cho các công trình thủy lợi, nhất là công trình thủy lợi Thạch Nham; xây dựng hạ tầng... Và vượt lên khó khăn, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan, đơn vị đã không ngừng nỗ lực khắc phục và vươn lên, góp sức vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Công trình Hồ chứa nước Nước Trong.                   ẢNH: VÕ TRƯỜNG LINH
Công trình Hồ chứa nước Nước Trong. ẢNH: VÕ TRƯỜNG LINH


Là một trong những người chứng kiến và nắm bắt khá sâu sắc sự đổi thay của Quảng Ngãi theo năm tháng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Kim Lưu nhớ lại: Hồi đó trừ một số cán bộ có nhà ở của bà con, còn lại hầu hết đều ở tại cơ quan, bàn làm việc cũng là chỗ để ngủ. Sở Xây dựng được tỉnh giao nhiệm vụ xây một khu nhà ở cho các gia đình từ Bình Định ra. Dự kiến lúc đầu  xây dựng khu tập thể 100 hộ, nhưng khi quy hoạch thì chỉ được 96 hộ. Vì ngân sách hạn hẹp, nên kinh phí xây dựng chỉ 4 triệu đồng/căn.

"Thành công lớn mà thế hệ chúng tôi làm được là góp sức xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đây là công trình anh em chúng tôi ngày ấy hết sức tập trung. Vì ai cũng biết sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thị sát Dung Quất thì đã quyết định đặt nhà máy lọc dầu tại đây. Nhưng lúc đó, Tổng Công ty Dầu khí cùng với các chuyên gia Pháp muốn đặt nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu, vì thị trường tiêu thụ lớn lại gần mỏ dầu, thuận lợi cho việc vận chuyển; một phần họ cũng đầu tư khoảng 2 - 3 triệu USD vào nhà máy này. Khi Thủ tướng quyết định đặt nhà máy tại Dung Quất, điều kiện họ đưa ra là phải để họ bao tiêu sản phẩm, phải đầu tư cảng để tàu vào thuận lợi... Trong khi thời điểm 1994 -1995 nước ta mới mở cửa, vẫn còn rất khó khăn, vốn để đầu tư không nhiều... Nhà máy lọc dầu được xây dựng là thắng lợi bước đầu để hình thành KKT Dung Quất", ông Lưu nói.

Thành quả hôm nay

Sau 30 năm, Quảng Ngãi hôm nay đã có những bước tiến dài trên chặng đường phát triển. Ngẫm về chặng đường đã qua, những người đã từng gắn bó, đã từng góp sức cho sự phát triển ngày một bền vững của tỉnh nhà đều cảm thấy tự hào. Vì sau 30 năm, đại công trình thủy lợi Thạch Nham đã mở ra một cuộc “cách mạng xanh” trải rộng khắp làng mạc, ruộng đồng Quảng Ngãi.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất  những ngày đầu xây dựng.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất những ngày đầu xây dựng. ẢNH: H.TRIỀU


Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không chỉ là trái tim của KKT Dung Quất và của khu vực miền Trung mà như “thỏi nam châm” thu hút các dự án lớn, là ngọn lửa thắp sáng lên niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với đó, một số tập đoàn lớn đến đầu tư hoặc tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh như Hòa Phát, Vingroup, Nguyễn Hoàng; một số công trình lớn đã và đang xây dựng như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Trì Bình – Dung Quất, cảng Bến Đình, cầu Thạch Bích, Cửa Đại, Trung tâm thương mại Vincom, khu du lịch chất lượng cao Nghĩa Thuận, Bãi Dừa; các khu đô thị mới ở TP.Quảng Ngãi và trung tâm các huyện; các công trình thủy điện ở khu vực các huyện miền núi... đã làm cho diện mạo Quảng Ngãi ngày càng tươi sáng hơn.


THANH THUẬN - BÁ SƠN
 


.