Đón Tết ở "xóm Hoàng Sa"

01:02, 03/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày cuối năm, xóm biển Gành Cả, xã Bình Châu (Bình Sơn) trở nên rộn ràng khi trai tráng trong làng tụ hội về quê sau một năm lênh đênh trên biển. Tết là dịp để họ ngồi lại bên nhau hàn huyên, chia sẻ về một năm làm ăn và cũng là dịp để họ chưng lên bàn thờ tổ tiên, gia tộc những gì quý giá nhất đánh bắt được từ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc: Hoàng Sa!

Sản vật Hoàng Sa trên bàn thờ tổ tiên

Đang cùng vợ lau chùi lại hàng trăm vỏ ốc trong tủ kính, ngư dân Nguyễn Tấn Hải cho biết, mỗi con ốc được anh đặt trang trọng trong ngăn tủ như một hòn đảo. “Đó là những con ốc tôi nhặt được khi đặt chân lên một hòn đảo, vùng biển nào đó của Việt Nam, nhưng nhiều nhất là nhặt được ở Hoàng Sa.

Tết đến, tôi lau chùi sạch sẽ để chưng lên bàn thờ tổ tiên, để tổ tiên biết con cháu vẫn bám biển Hoàng Sa, vẫn xem Hoàng Sa là quê hương, là nhà của mình. Mỗi con ốc còn nhắc nhở con cháu trong nhà rằng, phải nối tiếp nghiệp để vươn khơi, vì nơi xa đó là Tổ quốc”, anh Hải tâm sự.

 Chị em phụ nữ
Chị em phụ nữ "xóm biển Hoàng Sa" chọn mua hoa đẹp Tết.


Đã giã từ nghiệp biển hơn 10 năm nay, nhưng trong tâm thức lão ngư Nguyễn Thanh Nam, Hoàng Sa vẫn là một nơi rất đỗi thiêng liêng. Mỗi khi Tết đến, thanh niên trai tráng tụ họp về làng, ông lại đứng ra làm “chủ xị” để anh em gặp mặt. Buổi liên hoan ấy vừa tạo sự gắn kết cho các ngư dân, vừa là dịp để ông Nam ôn lại chuyện cũ, nhắc nhở hậu thế về vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Mong một năm mới bình yên

Chiều 24 tháng Chạp, con đường dẫn về xóm biển Gành Cả đông như lễ hội. Người người đổ ra đường mua hàng hóa, thực phẩm, quần áo mới.

 Ngư dân Nguyễn Tấn Hải bên tủ kính đầy ắp những con ốc mà anh gọi là
Ngư dân Nguyễn Tấn Hải bên tủ kính đầy ắp những con ốc mà anh gọi là "cụm đảo".


Dưới tán cây lộc vừng đã được trảy lá đang nhú những chồi non đâm lộc, những thanh niên trai tráng làng biển tụ lại bên ấm trà nóng. Với họ, là hàng xóm tối lửa tắt đèn, nhưng có khi cả năm họ chưa một lần gặp mặt, bởi người vào bờ thì kẻ ra khơi. Thế nên, Tết mới là dịp họ gặp nhau dài hơn, chia sẻ cho nhau nhiều hơn về những phiên biển, về những chuyến ra khơi trái gió trở trời và tình nghĩa ngư phủ đã giúp họ vượt qua sóng gió.

Nguyễn Thanh Biên, chàng ngư phủ 37 tuổi, có 20 năm đi biển, gặp lại tôi sau nhiều năm, kể từ phiên biển trắc trở năm 2009. Vẫn chàng trai đó, nhưng khuôn mặt đã dạn dày sóng nước, cách anh Biên trò chuyện với những ngư dân trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề như một người cha truyền nghề cho con.

Hơn 20 năm bám biển Hoàng Sa, anh Biên đã thuộc lòng từng cụm đảo, đụn cát, từng rạn san hô. Trong câu chuyện nghề dưới tán vừng cũng chỉ xoay quanh việc chia sẻ kinh nghiệm để chạy tàu né san hô, khi áp thấp ập đến thì chạy vào đảo nào để neo tàu... “Mình biết được gì thì chia sẻ cho anh em, đó là trách nhiệm của mình. Nói để anh em cùng biết, cùng làm ăn và cùng đón Tết sang năm nữa”, anh Biên tâm sự.


Bài, ảnh: NGỌC QUANG


.