Những người đạp xích lô cuối cùng

11:01, 21/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời “vàng son” của nghề đạp xích lô đã qua đi, nhưng giữa lòng TP.Quảng Ngãi vẫn còn những người lặng lẽ giữ lấy nghề mưu sinh xưa cũ.

Vòng quay của những bánh xe xích lô ở Quảng Ngãi từng "hưng thịnh" tồn tại suốt mấy mươi năm. Nhưng rồi, trước “dòng chảy” của thời gian, xích lô dần bị thay thế bởi những phương tiện giao thông khác hiện đại hơn. Số người làm nghề đạp xích lô truyền thống còn sót lại đến ngày nay, cũng vì thế mà chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Giữa lòng thành phố sầm uất, hiện vẫn còn những người lặng lẽ giữ lấy nghề mưu sinh xưa cũ.
Giữa lòng thành phố sầm uất, hiện vẫn còn những người lặng lẽ giữ lấy nghề mưu sinh xưa cũ.

Năm nay đã bước sang tuổi 81, cụ Phan Dân, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) là người già nhất trong số những người còn đạp xích lô mưu sinh giữa lòng thành phố. Dù đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đúng 6 giờ sáng là cụ Dân lại cần mẫn đạp xe đến các nhà xe khách trên địa bàn thành phố, để nhận chở hàng.

“Ngày xưa, lúc nghề đạp xích lô còn hưng thịnh, cả TP.Quảng Ngãi có cả thảy 141 người đạp xích lô. Những người đạp xích lô như chúng tôi khi ấy cũng có công đoàn xích lô riêng và có cả quỹ để thăm nom đoàn viên ốm đau. Giờ chỉ còn lại 5 người giữ nghề, nên mấy anh em chúng tôi dặn nhau, cố gắng bám nghề, làm nghề cùng nhau cho quây quần, xôm tụ”.

Cụ PHAN DÂN, người đạp xích lô gần 50 năm.

Trầm ngâm bên chiếc xe xích lô đã gắn bó với mình hơn nửa cuộc đời, cụ Phan Dân tâm sự: “Mấy mươi năm trước, chiếc xe này có giá 3 chỉ vàng – bằng cả một gia tài ngày ấy.

Còn giờ, nó đã hoen rỉ, đầy vết chắp vá, bán chẳng ai mua. Nhưng với tôi, "con ngựa sắt" này chính là người bạn, vì nó đã đi cùng tôi gần 50 năm. Tôi không bỏ nghề, vì không muốn ngồi không và không muốn nhìn chiếc xe bị xếp xó”.

Cũng thủy chung giữ lấy nghề đạp xích lô như cụ Phan Dân, ông Trần Cửu, 78 tuổi, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) cũng ngày qua ngày tần tảo đạp xích lô rong ruổi khắp mọi nẻo đường ở thành phố để chở hàng.

Hồi tưởng lại một thời đã xa, cụ Cửu bảo, tầm 20 – 30 năm về trước, khi nghề đạp xích lô còn hưng thịnh, mỗi ngày, ông đều đặn chở từ 5 – 10 lượt khách đi khắp nội thị. Với tiền công từ 2 - 5 nghìn đồng/lượt, chiếc xích lô nhỏ bé, thô sơ đã giúp ông chăm lo được cho cả gia đình. Nhưng dần dà về sau, khi phương tiện giao thông phát triển, chẳng còn mấy ai tìm đến xích lô để đi, thì ông phải chuyển đổi từ chở người sang... chở hàng mới có khách hàng.

Vài năm trở lại đây, khi các dịch vụ vận tải vận chuyển hàng hóa xuất hiện ngày càng nhiều, thì câu chuyện mưu sinh của những người đạp xích lô như cụ Dân, cụ Cửu ngày một khó khăn hơn. Ngày nào may mắn lắm, nhận được  3 – 4 lượt chở hàng, thì mỗi người có dăm chục nghìn đồng bỏ túi. Ngày nào không có khách, thì các cụ đành về nhà tay không. “Con cái khuyên tôi lớn tuổi rồi thì ở nhà, nhưng tôi quen rồi. Mỗi ngày có vài cuốc, được mấy mươi nghìn là tôi đã vui, vì ít ra vẫn còn có người cần đến những người đạp xích lô như chúng tôi”, cụ Cửu giản dị chia sẻ.

Thu nhập mà nghề đạp xích lô mang lại không đáng là bao; nhưng những người như cụ Dân, cụ Cửu... vẫn miệt mài giữ lấy nghề xưa. Có lẽ, với họ, đó không chỉ là nghề để mưu sinh, mà còn là niềm vui tuổi xế chiều, là nghĩa tình với cái nghề đã theo mình gần cả cuộc đời.

Bài, ảnh: Ý Thu

 


.