Những người "giữ nhịp thời gian"

02:12, 04/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa nhịp sống hối hả, những người thợ sửa đồng hồ với chiếc tủ kính nhỏ vẫn lặng lẽ ngồi nép mình ở góc phố. Đa số những người làm nghề đều đã lớn tuổi và theo đuổi công việc “giữ nhịp thời gian” này đã quá nửa đời người.

Không chỉ là mưu sinh

Là một trong những người thợ sửa đồng hồ có thâm niên ở TP.Quảng Ngãi, ông Hà Tân (74 tuổi) chia sẻ: "Tôi làm nghề sửa đồng hồ từ năm 1965 đến nay. Dù trải qua nhiều thăng trầm, có khoảng thời gian đồng hồ ít được sử dụng, khách hàng vơi đi, thế nhưng mình không phụ nghề thì nghề cũng không phụ mình. Nghề sửa đồng hồ đã giúp tôi có tiền nuôi các con ăn học, đó cũng là niềm vui trong cuộc sống".

 

Ông Hà Tân (74 tuổi), một trong những người thợ sửa đồng hồ có thâm niên ở TP.Quảng Ngãi.
Ông Hà Tân (74 tuổi), một trong những người thợ sửa đồng hồ có thâm niên ở TP.Quảng Ngãi.


Tuổi đã cao, các con đều trưởng thành, song ông Tân vẫn miệt mài với công việc. Những lúc bị đau, nghỉ ở nhà vài hôm, ông lại thấy nhớ nghề. "Dù đã lớn tuổi, làm nghề chậm chạp hơn lúc còn trẻ, nhưng chưa có loại đồng hồ nào tôi đầu hàng, phải mày mò sửa đến cùng. Sửa đồng hồ khó nhất là các loại tự động, cấu trúc phức tạp, có khi mất vài ngày nghiên cứu, tìm tòi mới sửa được. Khi đồng hồ chạy lại được thì cảm giác rất khó tả, chỉ những người đam mê với nghề mới thấu hiểu”, ông Tân nói.

Là thợ sửa đồng hồ nổi tiếng ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa), ông Phan Văn Đông là truyền nhân đời thứ 3 của gia đình làm nghề sửa đồng hồ. Ông Đông cho biết, từ năm 13 tuổi ông đã biết sửa đồng hồ, đến nay đã có hơn 40 năm theo nghề. Ông Đông tâm sự: “Nghề này thì không giàu có, chủ yếu là lấy công làm lời, nhưng quan trọng là phải giữ uy tín".

Dù chỉ là tiệm vỉa hè, nhưng tiệm sửa đồng hồ của ông rất đông khách. Ông Đông đã tiếp xúc, sửa chữa hàng nghìn đồng hồ hiệu các loại, có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. “Chiếc đồng hồ đắt nhất tôi từng sửa có giá hơn 700 triệu đồng, đó là chiếc đồng hồ hãng Rolex của một Việt kiều. Đồng hồ hiệu hay đồng hồ thời trang bình dân, tôi đều trân trọng và sửa cẩn thận như nhau. Thế nhưng, nhận một chiếc đồng hồ của thương hiệu lớn trên tay để sửa thì đó là niềm hạnh phúc. Bởi, khách hàng tin tưởng vào tay nghề của những người thợ đường phố như tôi”, ông Đông trải lòng.

Khó tìm người nối nghiệp

Vài năm trở lại đây, đồng hồ được sử dụng nhiều trở lại sau một thời gian nhường chỗ cho điện thoại thông minh. Vì thế, nghề sửa đồng hồ bắt đầu thịnh trở lại. Tuy nhiên, thợ sửa đồng hồ chủ yếu là những người lớn tuổi. Theo những người thợ sửa đồng hồ lâu năm thì nghề này đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và tính kiên nhẫn cao, do vậy rất ít người trẻ chịu khó học nghề.

Không nỡ nhìn nghề truyền thống của gia đình bị lụi tàn khi ông không còn gắn bó với nghề, vậy nên mấy năm nay, ông Đông đã thuyết phục truyền nghề cho người cháu ruột. Ông Đông trải lòng: "Tôi có 3 người con thì đứa làm bác sĩ, đứa làm kỹ sư, tụi nó đều có hoài bão riêng. Cũng may là trong họ còn thằng cháu thích nghề sửa đồng hồ, nên bao nhiêu kinh nghiệm, kỹ năng, tôi đều truyền dạy. Bây giờ, tìm người trẻ đam mê nghề sửa đồng hồ còn khó hơn đãi cát tìm vàng”.

Chia sẻ về lý do gắn bó với nghề sửa đồng hồ, em Phan Văn Viễn (23 tuổi) nói: Niềm đam mê sửa đồng hồ của em xuất phát từ những ngày ngồi xem chú Đông sửa đồng hồ và tập tành làm theo. Qua 3 năm học nghề, em thấy sự lựa chọn của mình là đúng. Em tin là dù xã hội có hiện đại, nhiều thiết bị công nghệ đến mức nào thì chiếc đồng hồ truyền thống vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống của mọi người.

Đồng hồ không đơn thuần chỉ để xem giờ, là món trang sức mà còn có thể là món quà, kỷ vật quý giá. Thế nên, giữ được nhịp thời gian để chiếc đồng hồ đeo tay của mỗi người luôn hoạt động cũng là một nghề đáng trân trọng.


Bài, ảnh: HIỀN THU



 


.