"Đường đi" của chất thải y tế (kỳ cuối)

10:11, 29/11/2018
.

TIN LIÊN QUAN


Kỳ cuối: Nhiều khó khăn, bất cập trong đầu tư


Một thực tế đáng lo ngại đang xảy ra tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh là, bên cạnh một số cơ sở y tế phải tự xử lý chất thải y tế bằng hình thức thủ công, thì nhiều cơ sở được đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý chất thải (nước thải và chất thải rắn), nhưng không đưa vào sử dụng được, gây lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước.

"Trắng" hệ thống xử lý chất thải y tế

Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 21 cơ sở khám, chữa bệnh (hệ điều trị); khối y tế dự phòng có 34 đơn vị, 183 trạm y tế xã. Trong số này chỉ có 17 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện, thành phố được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, chiếm khoảng 7% tổng số cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Số cơ sở y tế còn lại đều xả thẳng nước thải y tế chưa qua xử lý ra môi trường.

 

Hệ thống xử lý nước thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành chưa được đưa vào sử dụng, dù được đầu tư xây dựng mới từ nhiều năm nay.                                                                                                                                                                                                    Ảnh: Ý THU
Hệ thống xử lý nước thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành chưa được đưa vào sử dụng, dù được đầu tư xây dựng mới từ nhiều năm nay. Ảnh: Ý THU


Đối với hệ thống xử lý chất thải rắn y tế cũng không khá hơn, vì ngành y tế mới đầu tư được 14 công trình. Tuy nhiên, phần lớn thiết bị công nghệ của các công trình này đều lạc hậu, chủ yếu là công nghệ lò đốt, được đầu tư từ những năm 2005, nên nay cũng đã xuống cấp và phát sinh nhiều vấn đề bất cập, như tốn nhiều nhiên liệu, nhiệt độ không cao, ống khói thấp (dưới 20m), phát sinh khói đen, bụi, làm ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư ở gần cơ sở y tế.

Trong 5 năm (2012-2017), ngành y tế tỉnh được đầu tư, xây dựng mới 5 công trình xử lý chất thải rắn y tế, với tổng kinh phí khoảng 140 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương chiếm hơn 70%, phần còn lại là vốn đối ứng của tỉnh.

Qua khảo sát, đánh giá của cơ quan chức năng thì Bệnh viện Đa khoa Dung Quất, Bệnh viện Đa khoa TP.Quảng Ngãi, Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, Sơn Tây là các cơ sở y tế nằm trong danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh (năm 2014). Để từng bước khắc phục thực trạng trên, UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng và cải tạo hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn tại các cơ sở này, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian thực hiện từ năm 2015 – 2020. Nhưng đến nay mới chỉ có Bệnh viện Đa khoa Dung Quất, Bệnh viện Đa khoa TP.Quảng Ngãi được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án Cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn y tế, với tổng kinh phí khoảng 32 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Giới cho biết: Để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế theo đúng quy định đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn. Chỉ riêng kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế cho Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây, Tây Trà và Trung tâm Y tế Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn đã lên đến 75 tỷ đồng. Do đó, việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh hoàn thiện trong một khoảng thời gian ngắn là không thể được, vì "quá sức" đối với ngành y tế và nguồn ngân sách của tỉnh. Nhưng để tình trạng này kéo dài thì sẽ để lại hệ lụy xấu cho môi trường và sức khỏe của người dân.
 

Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng được dự án Hỗ trợ Y tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải và lò đốt chất thải rắn y tế cùng thời điểm với Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (năm 2013), với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Nhưng đến nay hệ thống này vẫn đang hoạt động tốt. Sở dĩ  Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng duy trì được “tuổi thọ” công trình là nhờ bố trí cán bộ theo dõi hoạt động và vận hành đúng quy trình.

Lãng phí tiền tỷ

Cách đây 10 năm, Bệnh viện Đa khoa huyện Nghĩa Hành (nay là Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành) được đầu tư dự án “Nâng cấp, mở rộng bệnh viện”, với tổng kinh phí hơn 23,6 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Ngoài các khối nhà khoa, phòng, bệnh viện còn được xây dựng lò đốt chất thải rắn y tế và hệ thống xử lý nước thải hiện đại, với tổng kinh phí quyết toán hơn 700 triệu đồng.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm kể từ khi tiếp nhận và đưa vào vận hành, lò đốt rác thải y tế của bệnh viện phải tạm ngừng hoạt động, vì công suất đốt rác không đạt như thiết kế, chất thải cho vào lò đốt phần lớn vẫn còn nguyên dạng như ban đầu. Do đó, suốt 7 năm qua, Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành phải hợp đồng với Công ty CP Cơ – Điện – Môi trường LILAMA Quảng Ngãi để thu gom, xử lý rác thải y tế, với giá 27.000 đồng/kg.

Không chỉ dừng lại ở đó, hệ thống xử lý nước thải tập trung của Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành dù được xây dựng rất hiện đại, nhưng đã 8 năm qua kể từ ngày hoàn thành, hệ thống này vẫn chưa một lần được vận hành và đưa vào sử dụng. Sở dĩ có chuyện “nghịch lý” này, là do trung tâm chưa được đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ống đấu nối dẫn nước thải từ các khoa, phòng về hệ thống xử lý nước thải tập trung. Vì thế, công trình này đành phải "đắp chiếu", còn nước thải y tế của trung tâm thì đưa về chứa ở các hố ga tự hoại.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành Nguyễn Hữu Thanh cho biết: “Trung tâm đã nhiều lần làm việc với Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng huyện Nghĩa Hành, các đơn vị thi công, nhà thiết kế, nhưng vẫn chưa có giải pháp tối ưu để khắc phục tình trạng này. Do hệ thống xử lý nước thải chưa được vận hành, nên trung tâm chưa thể làm được hồ sơ để được cấp có thẩm quyền cấp phép xả thải. Đây cũng là lý do dẫn đến trung tâm vi phạm các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường”.

 Lò đốt chất thải nguy hại của Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh đã hư hỏng nhiều năm nay, giờ được bệnh viện tận dụng làm kho chứa rác thải nguy hại. Ảnh: Ý THU
Lò đốt chất thải nguy hại của Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh đã hư hỏng nhiều năm nay, giờ được bệnh viện tận dụng làm kho chứa rác thải nguy hại. Ảnh: Ý THU


Tình trạng này cũng diễn ra tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, mặc dù được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế hiện đại nhất tỉnh. Trung tâm được đầu tư hệ thống xử lý nước thải và lò đốt chất thải rắn y tế từ nguồn vốn của dự án Hỗ trợ Y tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm đưa vào sử dụng (2013-2016) thì lò đốt chất thải rắn y tế của trung tâm đã hư hỏng, không còn sử dụng được. Đến năm 2017, hệ thống xử lý nước thải của trung tâm cũng hỏng máy sục khí. Hiện nay, cả hai hạng mục công trình này đang  chờ kinh phí để sửa chữa.

Điều đáng lo ngại là, do lò đốt chất thải y tế bị hỏng, lại không hợp đồng được với đơn vị thu gom, vì nằm cách xa khu vực trung tâm, nên Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đành phải xử lý chất thải rắn y tế bằng phương pháp đốt, chôn lấp. “Kể từ khi lò đốt bị hỏng, trung tâm phải tự thu gom rác thải y tế rồi làm khô và đào hố xử lý ngay trong khuôn viên đơn vị. Mặc dù biết cách xử lý như thế này là không đúng quy chuẩn, gây ô nhiễm môi trường, nhưng trung tâm không còn cách nào khác”, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ Đinh Thanh Tùng cho biết.

Trước những bất cập trong đầu tư, quản lý, khai thác sử dụng hệ thống xử lý rác thải y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay, thiết nghĩ Sở Y tế cần phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện hệ thống xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế. Trên cơ sở đó, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh hướng đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực này. Có như thế mới khắc phục được tình trạng các cơ sở y tế vi phạm quy định về bảo vệ môi trường như trong thời gian qua.


X.HIẾU - Ý THU


 


.