Để ngôi nhà mãi bình yên

10:11, 29/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực.

TIN LIÊN QUAN

Nhận thức trong cộng đồng được nâng lên

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ. Các cấp, ngành, hội, đoàn thể đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, để tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật về phòng, chống BLGĐ như: Thành lập cơ sở tư vấn pháp luật, các CLB, tổ chức các cuộc thi, hội thi về “Tìm hiểu Luật phòng, chống BLGĐ”… Toàn tỉnh đã thành lập 471 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, qua đó đã giúp đỡ nhiều nạn nhân bị BLGĐ cũng như tư vấn, hòa giải những vụ mâu thuẫn trong gia đình.

 

Hội phụ nữ xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) cùng nhau bàn bạc kế hoạch tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và phương pháp hòa giải cho các gia đình.
Hội phụ nữ xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) cùng nhau bàn bạc kế hoạch tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và phương pháp hòa giải cho các gia đình.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na cho biết: Qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, nhận thức của người dân trong việc phòng, chống BLGĐ được nâng lên. Nhiều nạn nhận bị bạo hành đã dám lên tiếng tố giác với các cơ quan chức năng, hoặc nhờ sự can thiệp của hội phụ nữ cơ sở. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tham gia hòa giải 2.890 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 2.697 vụ.

Xã Nghĩa Điền là một trong những địa phương từng có rất nhiều vụ BLGĐ. Những năm gần đây, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hội phụ nữ ở cơ sở, nên đã hạn chế được các vụ việc BLGĐ. Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Điền Lê Thị Mỹ Nương cho biết: Cả 4 thôn trên địa bàn xã đều thành lập địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tham gia giải quyết, hòa giải thành công 5 vụ BLGĐ. Các cặp vợ chồng này hiện nay đều sống hạnh phúc, không có trường hợp nào ly hôn.

Theo bà Lê Na, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đóng vai trò quan trọng trong việc tiến đến xóa bỏ tình trạng BLGĐ. Những nạn nhân của BLGĐ phải mạnh dạn tố giác, nhờ sự can thiệp, hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng.

“Khi gia đình có dấu hiệu rạn nứt, xuất hiện BLGĐ mà bản thân những người trong cuộc không tự giải quyết được thì nên nhờ sự giúp đỡ. Có như vậy hai bên mới dễ hàn gắn hơn, đừng để sự việc xảy ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. BLGĐ không chỉ là chuyện phía sau cánh cửa của mỗi gia đình, mà mọi người nên tích cực tham gia đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của mình và những người xung quanh, nhằm xây dựng một cuộc sống văn minh, tốt đẹp hơn”.


Chủ tịch Hội LHPN tỉnh LÊ NA

Vẫn còn những nỗi đau

Từ năm 2009-2017, trên địa bàn Quảng Ngãi đã xảy ra 2.346 vụ BLGĐ. Nạn nhân BLGĐ chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Bà Lê Na cho rằng: Số liệu thống kê về BLGĐ chỉ là “bề nổi" mà thôi. Trên thực tế, BLGĐ rất khó phát hiện, nếu vụ việc không ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng, hoặc không được nạn nhân lên tiếng.

Thực tế, có không ít phụ nữ, nhất là ở nông thôn, miền núi, với tâm lý "xấu chàng hổ thiếp", nên khi xảy ra BLGĐ đều cam chịu. Chị Nguyễn Thị N, ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) thường xuyên bị chồng bạo hành, nhưng nhiều năm qua, chị vẫn âm thầm chịu đựng với lý do vì tương lai các con. Cô Nguyễn Thị Tuyết, Tổ trưởng Tổ phụ nữ 3B, thôn Điền Hòa, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) cho biết: Dù biết có nhiều trường hợp bị chồng bạo hành, nhưng khi tổ hòa giải đến thăm hỏi, chia sẻ thì có nhiều chị em giấu chuyện. Nguyên nhân là do các chị chưa ý thức được quyền bình đẳng, luôn né tránh, không cung cấp thông tin, vì thế cơ quan chức năng không thể lên tiếng bảo vệ.

Các vụ BLGĐ xảy ra trong thời gian qua không chỉ là bạo lực về mặt thể xác, mà còn cả về tinh thần, nên gây ra những nỗi đau dai dẳng cho những người trong cuộc, nhất là những người yếu thế và ảnh hưởng đến tương lai của con trẻ. Vì thế, các thành viên trong gia đình cần chung tay xây dựng "ngôi nhà bình yên", để gia đình có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đảm bảo một tương lai tươi sáng cho các con.


Bài, ảnh: HIỀN THU


 


.