Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hướng đến hiệu quả

02:11, 01/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) và Quyết định 971 về đào tạo nghề nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, chất lượng lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh đã từng bước được cải thiện.

TIN LIÊN QUAN

Chuyển biến tích cực

Thực hiện Đề án 1956 (từ năm 2010) và Quyết định 971 (từ năm 2015) của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức rà soát, xác định lại nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT; đẩy mạnh tuyên truyền và tư vấn học nghề; đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt, tăng thực hành, giảm lý thuyết và thực hiện tại nơi sản xuất...

 

Nhiều lao động sau tập huấn, học nghề đã áp dụng kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất có hiệu quả.
Nhiều lao động sau tập huấn, học nghề đã áp dụng kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất có hiệu quả.


Sau khi tập huấn về khoa học kỹ thuật, ông Lê Hủy, ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) đã đầu tư xây dựng trang trại rộng 1.000m2, nuôi 40 con bò, cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. “Trước đây, tôi chỉ nuôi bò theo kiểu nhỏ lẻ, vì chưa có kiến thức, cũng như kỹ thuật chăn nuôi. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm và được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho bò, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại có quy mô lớn để chăn nuôi”, ông Hủy chia sẻ.

Tại TP.Quảng Ngãi, sau 9 năm thực hiện công tác này, đã có trên 830 lao động được đào tạo nghề nông nghiệp. Những nghề được nhiều người lao động lựa chọn gồm: Kỹ thuật trồng rau an toàn, nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm... Sau đào tạo, hầu hết các lao động đều có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Trong số này có 4 lao động thành lập hợp tác xã và tổ hợp tác trồng rau an toàn.

Thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp theo Đề án 1956 và theo Quyết định 971, toàn tỉnh đã có 13.987 LĐNT học nghề nông nghiệp và có 12.260 lao động sau học nghề có việc làm.

Là một trong những học viên tham gia lớp đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn, chị Lê Thị Bích Thương, ở xã Nghĩa Dõng chia sẻ: "Khi chưa qua lớp đào tạo, người dân cứ làm theo thói quen bón phân, phun thuốc cho rau nhiều, nên sản phẩm không an toàn, khách hàng ít tin dùng. Khi tham gia lớp học, chúng tôi được dạy cách trồng rau an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, diện tích trồng rau an toàn của chị em trong xã tăng lên đáng kể, lượng tiêu thụ cũng mạnh hơn, góp phần tăng thu nhập".

Vẫn còn khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Theo đại diện Sở NN&PTNT, nguyên nhân do LĐNT lớn tuổi, đặc biệt là đồng bào người dân tộc và miền núi, người nghèo phần lớn là trụ cột gia đình, nên rất khó để sắp xếp thời gian tham gia các khoá đào tạo nghề.

Đối với nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 cũng gặp phải khó khăn tương tự. Chương trình đào tạo mới chỉ bó hẹp ở mức độ phổ biến kiến thức, nên chưa thể áp dụng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bảo quản, chế biến nông- lâm - hải sản. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động đào tạo nghề còn hạn chế, định mức chi chưa phù hợp với tình hình thực tế...

Để tháo gỡ khó khăn và vướng mắc trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo nâng cao công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian tới, với các giải pháp như: Khảo sát nhu cầu học nghề; các trường và trung tâm đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu việc làm của người lao động và doanh nghiệp; lao động sau khi đào tạo xong phải có việc làm. Mỗi xã phải làm tốt công tác quy hoạch sản xuất, trong đó xác định được sản phẩm chủ lực, sản xuất có liên kết tiêu thụ; ưu tiên đào tạo những ngành nghề có điều kiện tiếp cận kỹ thuật công nghệ mới, công nghệ cao ở khu vực nông thôn...

 

Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.