Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Không chủ quan

11:10, 27/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gia súc, gia cầm (GS, GC) giảm, nên rất thuận lợi để các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, gây hại. Do đó, người chăn nuôi cần thận trọng và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Thời điểm GS, GC dễ mắc bệnh

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có khoảng 348 nghìn con trâu, bò; trên 401 nghìn con heo và 5,1 triệu con gia cầm. Thời điểm này, người chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh xuất bán vật nuôi đã đủ tuổi, đồng thời tập trung tái đàn nhằm phục vụ nhu cầu thị trường thực phẩm dịp tết Nguyên đán, nên đàn GS, GC sẽ có sự biến động lớn.

Việc phát triển đàn GS, GC trong thời điểm hiện nay cũng gặp nhiều bất lợi, bởi thời tiết đang chuyển mùa, mưa nắng bất thường, sức đề kháng của vật nuôi giảm. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các loại dịch bệnh như dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả... phát sinh.

 

  Người chăn nuôi cần tuân thủ các biện pháp về phun hóa chất tiêu độc, khử trùng để ngăn ngừa bệnh cho gia súc gia cầm.
Người chăn nuôi cần tuân thủ các biện pháp về phun hóa chất tiêu độc, khử trùng để ngăn ngừa bệnh cho gia súc gia cầm.


Đáng lo ngại là, một bộ phận người chăn nuôi ở các huyện miền núi, vùng cao vẫn còn tập quán thả rông gia súc; không chuẩn bị, dự trữ thức ăn tại chỗ cho gia súc và cũng chưa quan tâm phòng, chống dịch bệnh.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn GS, GC. Tỉnh cũng đã hỗ trợ nhiều loại vắc-xin, thuốc tiêu độc khử trùng và yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các địa phương củng cố lực lượng thú y ở cơ sở; tổ chức phát động ra quân tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh đúng tiến độ, hiệu quả.

Chủ động phòng dịch

Bên cạnh các bệnh “truyền thống”, hiện nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi cũng đang trở thành mối lo ngại của ngành chức năng và người chăn nuôi. Đây là bệnh không mới, nhưng trước đây chỉ xuất hiện ở Châu Phi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh đã hoành hành ở Trung Quốc, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi nước này.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Thuận cho biết: Đến thời điểm này, Việt Nam chưa xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch ứng phó, bởi đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong lên đến 100%, nhưng chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như thuốc chữa trị, nên nguy cơ xâm nhiễm là rất lớn.

Bên cạnh đó, để phòng chống dịch bệnh cho GS, GC hiệu quả, người dân cần tích cực thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Khi nhập con giống phải có nguồn gốc rõ ràng. Nếu con giống ngoài tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch. Chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo quy trình chăn nuôi; tích cực hưởng ứng Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi theo chủ trương của UBND tỉnh.

Bên cạnh công tác khuyến cáo người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thực hiện tiêm vắc-xin dịch cúm đợt 1/2018 cho 897.580 con gia cầm; 173.725 con trâu, bò được tiêm vắc-xin lở mồm long móng và 171.560 con heo trong diện tiêm cũng đã được tiêm vắc-xin dịch tả; cấp 6.321lít thuốc benkocide để tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và các khu vực công cộng, hố chôn tiêu hủy gia cầm. Đồng thời, đang khẩn trương thực hiện tiêm phòng cho GS, GC cũng như triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2/2018 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.