Không chủ quan với thiên tai

02:10, 23/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thiên tai luôn gây ra thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản, để lại những hậu quả không dễ gì khắc phục được. Do đó, người dân, ngành chức năng và chính quyền các địa phương không được chủ quan với thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão năm nay.

TIN LIÊN QUAN

Sẵn sàng ứng phó

Xóm Thị Tứ, thôn Thạch An, xã Bình Mỹ (Bình Sơn) là vùng trũng, thường xuyên bị ngập nặng trong mùa mưa lũ. Ông Huỳnh A, ở xóm Thị Tứ chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với mưa lũ: “Lũ năm rồi, nước ngập tới nóc nhà, ca nô vào ứng cứu dân rất khó khăn. Vì thế, người dân trong thôn phải dùng thúng để di chuyển".

Còn ông Nguyễn Hữu thì cho biết mùa lũ năm rồi ông đã kịp thời đưa người dân thoát khỏi vùng lũ dữ bằng phương tiện thuyền thúng. "Năm nay, ngoài số phao xã cấp, chúng tôi chủ động chuẩn bị rất nhiều thúng để phòng khi ghe, ca nô không đủ để di dời dân khi có lũ lớn", ông Hữu nói.

 

Ông Huỳnh A, ở xóm Thị Tứ, thôn Thạch An, xã Bình Mỹ (Bình Sơn) chuẩn bị thuyền thúng để sẵn sàng di chuyển khi có lũ lớn. Ảnh: K.Ngân
Ông Huỳnh A, ở xóm Thị Tứ, thôn Thạch An, xã Bình Mỹ (Bình Sơn) chuẩn bị thuyền thúng để sẵn sàng di chuyển khi có lũ lớn. Ảnh: K.Ngân


Đến nay, người dân xã Bình Mỹ đã chủ động đưa lương thực, tài sản đến nơi cao ráo để cất. Bà Lương Thị Liễu, ở thôn Tân Mỹ, là một trong những hộ được xã hỗ trợ kinh phí xây nhà chống lũ phấn khởi nói: “Nhờ có nhà tránh lũ nên mùa mưa này tôi đã đưa lương thực, tài sản lên gác cao để bảo quản".

Được biết, UBND xã Bình Mỹ đã hỗ trợ cho người dân xây dựng 16 nhà tránh lũ; chuẩn bị hơn 300 áo phao và một số phương tiện ghe máy, thúng... sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
 

Có thực trạng đáng lo ngại là, một số địa phương không nắm chắc tình trạng hồ chứa, hiện trạng nứt núi, sạt lở ven sông, suối để chủ động phương án ứng phó. Vì thế, khi xảy ra mưa lũ rất lúng túng trong việc lựa chọn địa điểm và số lượng hộ dân cần di dời. Do đó, ngay từ bây giờ, tỉnh cần chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng rà soát và xây dựng phương án ứng phó.

Ngoài xã Bình Mỹ, trên địa bàn huyện Bình Sơn còn có nhiều xã luôn bị ảnh hưởng khi có thiên tai, như các xã Bình Trung, Bình Minh, Bình Khương... Huyện đã chỉ đạo xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng  253 nhà tránh lũ.

Để giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Sơn đã chủ động triển khai đồng bộ các phương án, nhất là ở những vùng xung yếu.

Huyện phân công trách nhiệm cho từng thành viên; thực hiện nghiêm chế độ trực ban, sẵn sàng tiếp nhận thông tin chỉ đạo, chỉ huy ứng phó; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng cần thiết để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh. Huyện Bình Sơn đã trích kinh phí hơn 100 triệu đồng để dự trữ 200 thùng mì tôm, 5 tấn gạo, 2.000 lít dầu thắp sáng và các nhu yếu phẩm khác... để cứu trợ khẩn cấp.

Vẫn còn tình trạng chủ quan  

“Mùa mưa lũ, người dân chúng tôi rất lo, vì phía trên thì núi Lăng có thể đổ sập bất cứ lúc nào, phía dưới thì nước chảy xiết, gây xói lở”, ông Đinh Văn Hiền, ở tổ dân phố làng Bồ, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) cho biết. Do đó, mỗi khi mưa kéo dài, không chỉ gia đình ông Hiền, mà hàng chục hộ dân nơi đây phải di dời đến nơi an toàn. Nguy hiểm luôn chực chờ, nhưng người dân làng Bồ lại từ chối di dời đến nơi tái định cư (TĐC). "Vì nơi ở mới, chỉ có đất làm nhà, không có đất sản xuất. Vì vậy, chúng tôi xin chính quyền hỗ trợ kinh phí để sửa lại nhà, không muốn chuyển đi nơi khác”, ông Hiền cho biết.

Nhà dân ở làng Một, thôn Cà Ba, xã Sơn Thượng (Sơn Hà) bị sạt lở, nhưng vẫn chưa được di dời tái định cư.                          ẢNH: M.Hoa
Nhà dân ở làng Một, thôn Cà Ba, xã Sơn Thượng (Sơn Hà) bị sạt lở, nhưng vẫn chưa được di dời tái định cư. ẢNH: M.Hoa


Không chỉ vậy, 20 hộ dân sinh sống dưới ngọn đồi làng Một, thôn Cà Ba, xã Sơn Thượng (Sơn Hà) cũng thấp thỏm lo lắng mỗi khi bước vào mùa mưa bão. Ngọn đồi này đã bị sạt lở hàng chục năm nay, nên mùa mưa, khu vực nhà dân chẳng khác nào “cái túi” hứng nước và đất đá. Người dân nơi đây cho biết, họ đã được địa phương thông báo sẽ di dời, TĐC ở khu dân cư mới, nhưng không hiểu sao, nhiều năm rồi vẫn chưa thực hiện.

Trong khi đó, khu TĐC Nước Vương, xã Sơn Liên và A Nhoi, xã Sơn Long (Sơn Tây) thì sạt lở ngày một nặng hơn! Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven cho biết: "Địa phương không bố trí được quỹ đất, vì chi phí san lấp mặt bằng quá lớn, vượt quá khả năng của huyện”.


K.NGÂN - MỸ HOA


 


.