Công tác giảm nghèo về thông tin: Còn nhiều khó khăn

09:10, 20/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Truyền thông và giảm nghèo về thông tin để mở rộng cơ hội tiếp nhận thông tin cho người dân vùng sâu, vùng xa là một trong những dự án quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQGGNBV), giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, công tác triển khai hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chương trình MTQGGNBV, giai đoạn 2016- 2020 xác định rõ một số mục tiêu, nhiệm vụ liên quan tới lĩnh vực truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Cụ thể là, phấn đấu có 100% cán bộ cấp xã làm công tác TT&TT được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động; 50% các xã nghèo có điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời; 90% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số...

 Việc tiếp cận thông tin của người dân miền núi còn hạn chế so với người dân khu vực đồng bằng.
Việc tiếp cận thông tin của người dân miền núi còn hạn chế so với người dân khu vực đồng bằng.


Theo đó, Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin được chia làm hai hoạt động thành phần, gồm truyền thông về giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin, nhằm xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Từ năm 2017 đến nay,  Sở LĐ - TB&XH đã phối hợp với Đài PT-TH tỉnh thực hiện các chuyên mục tuyên truyền giảm nghèo bền vững, với các nội dung liên quan đến chính sách giảm nghèo, gương thoát nghèo, các mô hình, dự án giảm nghèo hiệu quả; tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với người dân tại cơ sở về chính sách giảm nghèo...

Với hoạt động giảm nghèo về thông tin, từ năm 2017 đến nay, Sở TT&TT đã tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thông tin - truyền thông tại cơ sở, cấp kinh phí cho các địa phương hỗ trợ thiết bị nghe - nhìn cho người nghèo...

Tuy đạt được một số kết quả nhất định, nhưng theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Cao Tánh, hoạt động giảm nghèo về thông tin trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Các mục tiêu, nhiệm vụ của dự án được trung ương đề ra nhiều, nhưng lại phân bổ kinh phí thực hiện hạn chế, nên rất khó cho địa phương trong thực hiện. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn (2017 - 2018), Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin trên địa bàn tỉnh chỉ được trung ương bố trí khoảng 1,2 tỷ đồng để thực hiện. Không chỉ khó khăn về kinh phí; việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông và giảm nghèo về thông tin tại cơ sở vẫn chưa được các địa phương chú trọng, cũng là một trong những “rào cản” ảnh hưởng đến hiệu quả của Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin trên địa bàn.

Qua kiểm tra, giám sát tại 6 huyện, thành phố và 12 xã trong việc thực hiện Chương trình MTQGGNBV năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, đoàn công tác đã chỉ rõ một trong những tồn tại, hạn chế tại các địa phương là chưa chú trọng đến công tác truyền thông, thông tin đến cán bộ và người dân.

Theo kết quả kiểm tra, giám sát 12/12 xã nằm trong danh sách kiểm tra, giám sát ngẫu nhiên, gồm Đức Lợi, Đức Phú (Mộ Đức); Long Sơn, Thanh An (Minh Long); Phổ Khánh, Phổ Châu (Đức Phổ); An Vĩnh, An Bình (Lý Sơn); Bình Thuận, Bình Dương (Bình Sơn); Nghĩa Thọ, Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đều chưa tổ chức phổ biến những điểm mới về chủ trương, cơ chế và chính sách của chương trình cho cán bộ và người dân nắm rõ, để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện, dù Chương trình MTQGGNBV, giai đoạn 2016-2020 đã đi được một nửa chặng đường.


Bài, ảnh: Ý THU


 


.