Sáp nhập trung tâm dân số vào trung tâm y tế: Cân nhắc để đảm bảo hiệu quả hoạt động

08:09, 13/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh ta đang tập trung thực hiện việc sáp nhập trung tâm DS - KHHGĐ vào trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện.

Theo Trưởng phòng Tổ chức (Sở Y tế) Lê Huy, đề án sáp nhập các trung tâm DS-KHHGĐ vào trung tâm y tế tuyến huyện đang trình UBND tỉnh xem xét. Theo đó, toàn tỉnh sẽ thống nhất một mô hình, đó là sáp nhập trung tâm DS-KHHGĐ vào TTYT tuyến huyện để thành lập trung tâm y tế đa chức năng (dự phòng, điều trị và công tác dân số). Việc giảm đầu mối các trung tâm, giúp tinh gọn bộ máy, tận dụng nhân lực thúc đẩy hoạt động y tế, dân số địa phương phát triển.

 

 Cán bộ dân số xã Bình Hải (Bình Sơn) tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ cho chị em phụ nữ trong diện sinh đẻ.                                                                         Ảnh: K.Ngân
Cán bộ dân số xã Bình Hải (Bình Sơn) tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ cho chị em phụ nữ trong diện sinh đẻ. Ảnh: K.Ngân


Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đặng Chính cho biết, đến nay trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất đối với mô hình sáp nhập trung tâm DS-KHHGĐ và TTYT tuyến huyện. Ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, mỗi nơi làm một kiểu, nơi thì thành lập phòng dân số trực thuộc trung tâm y tế; nơi thì định hướng thành lập khoa, nơi thì gộp mảng dân số vào chung với mảng khác...

Theo ông Đặng Chính, để hoạt động hiệu quả sau khi sáp nhập, phải tạo được vị thế rất rõ của công tác dân số trong bộ máy tổ chức của TTYT cấp huyện. Do đó, khi sáp nhập cần bố trí cho được giám đốc trung tâm DS-KHHGĐ đảm nhiệm chức vụ phó giám đốc TTYT phụ trách lĩnh vực dân số. Như vậy, công tác điều hành, triển khai các hoạt động dân số mới chủ động hơn. Có thâm niên 25 năm làm công tác dân số, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Minh Long Lê Vũ Lương chia sẻ: "Cần phải đảm bảo ổn định bộ máy làm dân số, nhất là đội ngũ cán bộ dân số xã, thôn thì mới thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ".

Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TP.Quảng Ngãi Lê Thị Ánh Sương cho biết, qua rà soát có một số viên chức của trung tâm DS-KHHGĐ không có bằng cấp chuyên môn nên khi sáp nhập sẽ không biết xếp vào đâu để trả lương cho phù hợp. Mỗi trung tâm hiện có từ 5-7 biên chế, trong đó có chuyên môn y tế chỉ 1-2 viên chức, còn lại là chuyên môn khác, nên khi sáp nhập vào trung tâm y tế cần phải tính toán kỹ để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.


 K.NGÂN- TR.TUYẾT


 


.