Làng "đỏ" ngày ấy, bây giờ

11:09, 02/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cánh đồng lúa vàng óng, những rặng cây xanh rì cùng mái ngói đỏ tươi... Tất cả đã hòa quyện thành bức tranh làng quê bình yên, ấm no ở làng “đỏ” Tân An, thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong (Mộ Đức).

Một thời đau thương

“Nhìn những tuyến đường bê tông sạch đẹp, nhà ngói mọc lên khắp nơi, ruộng vườn xanh tốt, nhiều người dân làng Tân An không khỏi bồi hồi khi nhớ lại những năm tháng đau thương”, ông Nguyễn Vụ, một trong những nhân chứng lịch sử của làng Tân An cho biết. Hơn 40 năm trước, làng Tân An chỉ vỏn vẹn 52 nóc nhà, nằm lọt thỏm bên mép biển. Vì vậy, làng Tân An còn có tên gọi là xóm Mù U, hay “làng lõm”. Người dân trong làng vừa đoàn kết tăng gia sản xuất; vừa tham gia cách mạng.

Trảng cát trắng năm xưa bị đạn bom cày xới, giờ đã “mọc” lên những vuông tôm, giúp người dân làng Tân An có cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Trảng cát trắng năm xưa bị đạn bom cày xới, giờ đã “mọc” lên những vuông tôm, giúp người dân làng Tân An có cuộc sống ấm no, đủ đầy.


Nhưng rồi, cuộc sống yên bình của người dân làng Tân An khiến giặc “ngứa mắt”, nhất là khi chúng phát hiện động cơ “ngày đêm sản xuất” của người dân trong làng chỉ cốt để “giấu bộ đội, nuôi quân”. Vì vậy, giặc ra sức càn quét, dội bom bắn phá ác liệt. Chỉ trong một buổi sáng ngày 26.6.1966, làng Tân An và các khu vực lân cận đã mất đi 125 người. “Nhiều gia đình bị trúng đạn, bom nên mất hết cả người lẫn nhà. Cả làng chìm trong tang thương”, ông Vụ nhớ lại.

Gạt nỗi đau, người dân làng Tân An gắng gượng tăng gia sản xuất và một lòng đi theo cách mạng. Từ “làng lõm” Tân An, lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường trong và ngoài tỉnh. Người già, phụ nữ ở lại cũng tích cực thi đua lao động sản xuất, làm hậu phương vững chắc. Danh sách những người ra tiền tuyến mà không trở lại ngày càng dài, khiến cả làng phải nén đau thương, ngày đêm sản xuất, vận chuyển lương thực, gánh gạo nuôi quân. Ngày đất nước toàn thắng, làng Tân An hoang tàn, xơ xác. “Cả làng chỉ có 52 nóc nhà, nhưng có đến 50 gia đình liệt sĩ, hai gia đình có công với cách mạng và 6 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, ông Nguyễn Trung Thanh bồi hồi nhớ lại.

Dựng xây cuộc sống mới
 

“Cùng với sản xuất nông nghiệp, thu nhập chính của người dân Tân An chủ yếu là đánh bắt hải sản gần bờ và nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, làng Tân An chỉ còn vài hộ nghèo, thu nhập bình quân hơn 32 triệu đồng/người/năm”.


Trưởng thôn Lâm Hạ NGUYỄN VĂN ĐỨC

Một lần nữa, người dân “làng lõm” Tân An lại biến đau thương thành hành động. Giữa lúc khó khăn, thiếu thốn, nhưng thương những người con của làng đã ngã xuống, nhất là những gia đình không còn người thờ phụng, bà con bàn bạc, quyên góp xây nhà bia tưởng niệm. Không có tiền, người dân trong làng phân công mỗi người một việc, ai có của góp của, ai có công góp công.
 
Đến năm 1993, công trình chứa đựng cái nghĩa, cái tình của người dân làng Tân An cũng hoàn thành trong sự hân hoan và xúc động. Từ đó đến nay, nhà bia tưởng niệm luôn được người dân trong làng thăm nom, hương khói.

Hơn 40 năm trôi qua, bây giờ, bức tranh làng “đỏ” Tân An đã có thêm nhiều sắc mới. Sắc xanh của cây, sắc vàng của lúa, cùng sắc đỏ của mái ngói. Trảng cát trắng năm xưa bị đạn bom cày xới, giờ đã “mọc” lên những vuông tôm cùng hàng dương, rặng phi lao xanh mượt.
 
Những con đường đất “nắng bụi mưa bùn” cũng đã được thay bằng lớp bê tông sạch đẹp, rộng rãi. Trường học, nhà văn hóa xây dựng khang trang... Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Làng “đỏ” bây giờ đã thực sự hồi sinh. Và cái tên “xóm Mù U”-chứng tích tang thương của chiến trang vẫn luôn được người dân khắp nơi nhắc đến trong sự xúc động và cảm phục.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.