Hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp: Chưa được đầu tư đồng bộ

09:09, 23/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, nhưng các địa phương vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

TIN LIÊN QUAN

Thành lập năm 2006, CCN Bình Nguyên (Bình Sơn) đi vào hoạt động đã 12 năm và có 11 dự án đang hoạt động, với tổng diện tích đất cho thuê đạt hơn 85% diện tích đất quy hoạch công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay CCN Bình Nguyên mới đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa chung, còn hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu vực lưu giữ, xử lý chất thải rắn... vẫn chưa thực hiện.

 

Chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên các doanh nghiệp trong CCN Bình Nguyên tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải rất thô sơ.
Chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên các doanh nghiệp trong CCN Bình Nguyên tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải rất thô sơ.


Do không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên thời gian qua, lượng nước thải sinh hoạt của doanh nghiệp (DN) trong CCN được DN tự thu gom và xử lý qua bể tự hoại ba ngăn. Còn nước thải sản xuất công nghiệp, các nhà máy thu gom vào hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, sau đó cho thoát ra mương nước chung của CCN.

Theo Phó Giám đốc BQL các CCN huyện Bình Sơn Trịnh Phú Vinh, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại CCN Bình Nguyên đã được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật năm 2012, với nguồn kinh phí 15 tỷ đồng, nhưng do nguồn kinh phí quá lớn, nên đến nay vẫn chưa được bố trí. Hiện tại, BQL đang lập kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung theo từng giai đoạn để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện.

Tại huyện Mộ Đức, hai CCN Quán Lát (Đức Chánh) và Thạch Trụ (Đức Lân) cũng đã đi vào hoạt động từ cách đây hơn 10 năm, nhưng cả 2 CCN này đều không có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Theo báo cáo của UBND huyện Mộ Đức, khi kêu gọi đầu tư vào các CCN này, huyện đã chủ động chọn ngành nghề không có, hoặc ít phát sinh nước thải sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cơ sở phát sinh nước thải sản xuất, như Nhà máy sản xuất ngói màu ứng dụng công nghệ không nung AKURAVINA (CCN Quán Lát). Dù phát sinh nước thải công nghiệp độc hại, nhưng do không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên nhà máy chỉ có thể tự đầu tư công trình xử lý đơn giản rồi thải ra môi trường.

Đối với CCN Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi), dù có đến 15 DN đang hoạt động với nhiều ngành nghề phát sinh nhiều nước thải, như sản xuất giấy, nha công nghiệp, ống nhựa, hạt nhựa... nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Do đó, một số DN phải xử lý nước thải theo kiểu thô sơ, như đưa nước thải vào hồ chứa lót bạt...

Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nước thải công nghiệp thẩm thấu vào lòng đất, gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, một số DN vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ quy định về môi trường, như Công ty TNHH SX&TM Trang Khánh Linh chuyên sản xuất hạt nhựa, Công ty TNHH SX&TM Sinh Lộc chuyên sản xuất nha công nghiệp... nhưng vẫn chưa đấu nối hệ thống xử lý nước thải của đơn vị vào hệ thống thoát nước chung của CCN, mà nước thải sản xuất sau khi tự xử lý, DN này thải trực tiếp ra kênh chìm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho môi trường.

Được biết, CCN Tịnh Ấn Tây thường xuyên có DN bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.


Bài, ảnh: X.HIẾU-Ý THU

 


.