Diện mạo mới trên vùng ATK Ba Tơ

07:09, 03/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng An toàn khu (ATK) Ba Tơ từng là nơi Đội du kích Ba Tơ chọn lập chiến khu để phát triển lực lượng, tổ chức học tập chính trị và quân sự trước khi tiến về trung châu, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8.1945 ở Quảng Ngãi. ATK Ba Tơ bây giờ đã đổi thay nhiều, đời sống của đồng bào dân tộc Hrê ngày càng được cải thiện.

TIN LIÊN QUAN


Trong những ngày đầu thu, chúng tôi về xã Ba Vinh, một trong 5 xã, thị trấn ở huyện Ba Tơ được công nhận là vùng ATK. Điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là, diện mạo của vùng đất đang trên đà phát triển. Con đường từ Quốc lộ 24 về trung tâm xã Ba Vinh đã được bê tông sạch đẹp, hai bên đường là những ngôi nhà mới khang trang.  

Di tích núi Cao Muôn đã được trùng tu, xây dựng.
Di tích núi Cao Muôn đã được trùng tu, xây dựng.


 Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến thôn Nước Gia nằm dưới chân núi Cao Muôn - nơi cách đây 73 năm, sau Khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11.3.1945, Đội du kích Ba Tơ đến lập chiến khu trước khi tiến về trung châu rồi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945 ở Quảng Ngãi. Già Phạm Văn Sự, người già uy tín của thôn Nước Gia phấn khởi nói: “Vào mùa mưa lũ, bà con trong làng không còn lo sợ bị chia cắt vì đường sá được xây dựng kiên cố. Việc giao thương mua bán cũng thuận tiện hơn, nhờ đó đời sống của người dân ngày càng phát triển".
 

“Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ công nhận 5 xã: Ba Động, Ba Cung, Ba Thành, Ba Vinh, Ba Giang và thị trấn Ba Tơ là vùng ATK Ba Tơ. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với vùng đất mà người dân một lòng son sắc, thủy chung với cách mạng, giúp đỡ, tạo điều kiện cho  Đội du kích Ba Tơ lớn mạnh, làm nòng cốt cho khởi nghĩa tháng 8.1945 ở Quảng Ngãi.

Chủ tịch UBND xã Ba Vinh Cao Văn Hải cho hay, trong 2 năm (2017-2018), xã được đầu tư từ nguồn vốn ATK hơn 16,3 tỷ đồng để xây dựng 3 công trình, trong đó có công trình đường bê tông ximăng đoạn từ UBND xã Ba Vinh – thôn Nước Gia với chiều dài hơn 4,2km và được đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng cầu cống. Trụ sở UBND xã cũng được đầu tư xây mới, với kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng. Tuyến đường giao thông từ trụ sở UBND xã về thôn Nước Gia đã xây dựng hoàn thành giai đoạn 1, với hơn 3,2km, không chỉ đáp ứng nhu cầu dân sinh mà còn là con đường để phát triển du lịch. Hai di tích lịch sử là hang Vọt Rệp và núi Cao Muôn cũng đã được dựng bia di tích.

Không chỉ ở Ba Vinh, mà trong 5 năm qua, từ nguồn vốn ATK và các nguồn vốn khác, các xã và thị trấn thuộc ATK Ba Tơ cũng đang từng ngày thay da đổi thịt. Trên vùng quê Ba Động, Ba Chùa, nhiều con đường cũng đã được bê tông, không còn tình trạng nắng bụi, mưa bùn. Chủ tịch UBND xã Ba Thành Phạm Văn Sâm cho biết, từ nguồn vốn ATK hơn 9 tỷ đồng, xã đã đầu tư xây dựng trụ sở UBND xã và một số tuyến đường nội vùng. Phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường, cán bộ và nhân dân đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.  

Một góc xã an toàn khu Ba Vinh hôm nay.
Một góc xã an toàn khu Ba Vinh hôm nay.


 Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương, đến cuối năm 2017, huyện Ba Tơ được hỗ trợ gần 94 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ dân sinh và xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thuộc các xã, thị trấn vùng ATK. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao trình độ dân trí, sức khỏe cho nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng ATK từng bước được cải thiện rõ rệt. “Trong thời gian đến, bên cạnh tập trung nguồn  vốn ATK để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ dân sinh, huyện sẽ chú trọng trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân vùng ATK", ông Huỳnh Thương cho biết thêm.


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN






 


.