Phòng chống lụt, bão năm 2018: Phải lo từ mùa khô

10:08, 06/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có 196 công trình thủy lợi, trong đó có 38/123 hồ chứa nước (HCN) bị hư hỏng, xuống cấp nặng; hàng chục điểm sạt lở núi đe dọa tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân ở các huyện Ba Tơ, Sơn Tây, Trà Bồng...

TIN LIÊN QUAN

Còn quá nhiều lo lắng

Trong khi HCN Di Lăng (Sơn Hà) bị thấm chân mái đập, thì HCN Suối Loa (Ba Tơ) lại bị xói lở ở đuôi tràn xả lũ. Công trình đập dâng Hiền Lương (TP.Quảng Ngãi) cũng đang xuống cấp nặng. Tuy nhiên, việc sửa chữa, nâng cấp các công trình trên chỉ thực hiện theo kiểu “hỏng đâu vá đấy”. Chính vì vậy, mỗi khi bước vào mùa mưa bão, chính quyền và người dân ở các địa phương này rất lo.

 

Các hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng sẽ được sửa chữa sau ngày 20.8 nhưng phải kết thúc trước 30.9.
Các hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng sẽ được sửa chữa sau ngày 20.8 nhưng phải kết thúc trước 30.9.

 

Các HCN Diên Trường (Đức Phổ), Núi Ngang (Ba Tơ) và Nước Trong đã được nâng cấp, sửa chữa và xây mới, nhưng thiếu các trang thiết bị hỗ trợ công tác điều tiết lũ. Với dung tích lớn (từ 4-289 triệu m3 nước) nhưng việc điều tiết xả lũ chỉ thực hiện bằng tràn xả. Chính vì vậy, khi xả lũ sẽ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du, do mực nước tăng đột ngột...

“Việc sửa chữa, khắc phục 24 hạng mục công trình thủy lợi, HCN bị hư hỏng do mưa lũ năm 2017 sẽ tiến hành sau khi cắt nước Thạch Nham vụ hè thu, dự kiến từ ngày 25.8. Tổng kinh phí thực hiện 3,7 tỷ đồng. Đơn vị sẽ tập trung phương tiện và nhân lực hoàn thành việc sửa chữa trước ngày 30.9”.


Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV
Khai thác công trình  thủy lợi Quảng Ngãi HÀ THẾ VINH


“Ngoài việc thiếu thiết bị hỗ trợ, tuyến đường từ Di Lăng vào cụm đầu mối công trình cũng chưa hoàn thiện. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai phương án ứng phó khi xảy ra sự cố, nhất là thời gian thực hiện việc điều tiết lũ, xả lũ và cắt lũ”, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi Hà Thế Vinh cho biết.

Do đó, ngoài việc tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ, xây dựng phương án PCTT riêng cho từng công trình và HCN, Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã giao Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 6 sớm khắc phục những tồn tại ở HCN Nước Trong, đảm bảo công trình vận hành an toàn.

Mùa mưa, lũ năm 2017 khiến hàng trăm hộ dân ở thôn Cây Muối, xã Ba Trang và thôn Ka La, xã Ba Dinh (Ba Tơ); thôn 2, xã Trà Giang (Trà Bồng) và xã Sơn Mùa (Sơn Tây) bị thiệt hại nặng, do sạt lở núi gây ra, nhiều hộ còn bị mất nhà. Nhưng đã một năm trôi qua, chỉ có 9 hộ dân ở thôn Ka La được di dời, ổn định chỗ ở; còn 10 hộ dân ở thôn Cây Muối thì vẫn chưa được di dời.

Còn 50 hộ dân tại thôn Tân Phú 1, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) cũng nơm nớp lo sợ vì núi Đất bị nứt, sạt lở. Theo người dân nơi đây, tình trạng nứt núi đã xảy ra gần chục năm. Trận lũ lịch sử năm 2013 khiến chân núi Đất bị sạt lở, bồi lấp nhiều nhà cửa, ruộng vườn của dân. Công tác khắc phục ở đây chỉ mới dừng lại ở việc... trồng cây, trong khi vết nứt của núi Đất ngày càng rộng.

Chủ động để không bị động

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải xây dựng phương án PCTT theo phương châm 4 tại chỗ; thực hiện nghiêm phương châm 3 đúng (thông tin đúng, quyết định và thời gian đúng); việc di dời dân phải thực hiện 5 đúng (địa điểm, thời điểm, đối tượng, số lượng và chỉ huy đúng) và kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp bất hợp tác trong việc sơ tán, di dời.

“Nội dung phương án cần đảm bảo tính khả thi, sát thực tế và phải được tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân, cộng đồng dân cư, nhất là các vùng xung yếu, tránh tình trạng làm hình thức”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính nhấn mạnh.

 

    Diễn tập sơ cứu người bị nạn trong thiên tai tại xã Hành Phước (Nghĩa Hành).
Diễn tập sơ cứu người bị nạn trong thiên tai tại xã Hành Phước (Nghĩa Hành).


Thực tế hiện nay cho thấy, vẫn còn tình trạng một số đơn vị, địa phương xây dựng phương án PCTT rất hình thức, rập khuôn, nên khi có sự cố xảy ra thì lúng túng. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCTT cho người dân vẫn chưa được chú trọng. Chính vì vậy, mùa mưa bão năm nào cũng xảy ra thiệt hại về người do qua tràn, qua suối.

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng: Bên cạnh việc cụ thể hóa đến tận cơ sở, chính quyền địa phương cũng cần xây dựng phương án PCTT tương ứng từng loại hình, cấp độ rủi ro thiên tai, tạo thuận lợi và chủ động trong việc triển khai ứng phó. “Ngoài ra, cần xem xét lại việc xây dựng các tuyến giao thông nông thôn để tránh tình trạng gây ngập lụt cục bộ; đồng thời nghiên cứu xây dựng các cầu, cống thay thế tràn giao thông, vì đây là địa điểm có nguy cơ mất an toàn cho người dân khi đường giao thông bị ngập”, ông Dương Văn Tô đề xuất.


Bài, ảnh: MỸ HOA





 


.