Chị chủ đại lý vé số tốt bụng

10:08, 30/08/2018
.

(Baoquangngai.vn) – Từng rời quê vào Sài Gòn bán vé số kiếm sống, chị Đinh Thị Duy Hết ở xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) thấu hiểu được nỗi khổ của những người hành nghề vé số dạo không có chỗ ở trọ hay không có tiền đặt cọc vé, chị đã quyết định vay mượn một ít vốn thuê căn nhà, cưu mang những người cùng cảnh ngộ với mình. 

--------------------------
 
Bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn
 
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đầy gian khổ, tuổi thơ chứng kiến nỗi vất vả của ba mẹ. Năm 19 tuổi, ba chị qua đời. Cuộc sống gia đình trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Từ đó, chị quyết định nghỉ học, rời xa gia đình vào Sài Gòn kiếm sống.
 
Những ngày đầu tiên đặt chân vào đất Sài Gòn rộng lớn, bao nhiêu khó khăn  hiện ra trước mắt. Không biết đường xá, không bà con thân thuộc, không biết đi về đâu. Thế là chị xin vào làm thuê ở một quán phở. Làm được 3 ngày, chị xin nghỉ, ông chủ trả công cho chị được 60 chục ngàn đồng. Cộng với số tiền còn lại hơn 100 nghìn đồng, chị đến đại lý vé số năn nỉ ông chủ cho nợ tiền cọc vé rồi nhận 50 tờ vé số đi bán. 
 
Cầm trên tay vài chục tờ vé số, rảo chân trên những con đường dài, mời mọc từng người, hết thì quay lại đại lý trả tiền lấy vé bán tiếp cho kịp ngày. Nhiều lần vì không kịp trả vé mà chị “ôm” luôn hơn chục tờ; hôm sau lại bù tiền trả cho đại lý. 
 
“Đó thực sự là những ngày tháng khó khăn đối với tôi. Nhiều khi mưa gió vẫn phải đi bán, cả ngày có khi chỉ lời được mấy chục nghìn, không đủ trang trải cuộc sống. Trước 15h, tôi phải kịp chạy về trả vé bán ế cho đại lý. Có bữa, xe hư chỉ biết đứng cầu xin người đi đường mua giúp, nhiều khi nghĩ tủi thân", chị Hết xúc động chia sẻ. 

 

 

 

Bán vé số được một năm, khi điều kiện sức khỏe không cho phép, chị Hết quyết định chuyển sang làm nhân viên phục vụ tại một cửa hàng ăn uống, thế nhưng nguồn thu nhập chỉ đủ ăn qua ngày. Một lần, chị suy nghĩ nếu cứ như thế này biết bao giờ mới có tiền gửi về quê. Không còn sự lựa chọn nào khác, chị đành quay về bán vé số dạo.
 
Theo chị Hết, số tiền bán vé số tuy ít ỏi nhưng nếu biết chi tiêu tiết kiệm thì cũng có tiền gửi về quê. "Có lần tôi kiệt sức, đôi chân mỏi rã rời, đi không nổi nữa nhưng cứ nghĩ ở quê mẹ vất vả làm thuê để nuôi các em ăn học. Lúc đó, tôi như được tiếp thêm sức mạnh", chị Hết chia sẻ.
 
Với dáng người gày gò vì bị suy dinh dưỡng từ nhỏ, nhưng lúc nào chị Hết cũng vui vẻ, nhanh miệng mời khách thành thử ngày càng được nhiều người quý mến. Mất cả một năm trời làm quen với nghề, chị Hết cũng kiếm được một số "mối quen" mua vé số của mình. Nhờ đó mà lượng vé số chị bán ra hàng ngày từ năm thứ hai trở đi tăng lên rất nhanh. Trung bình 100 tờ/ngày, đến 200 tờ, thậm chí có những ngày bán được tới 400 tờ.
 
Trời không phụ lòng người, ròng rã suốt 2 năm trên đất Sài Gòn, từng đi bán vé số dạo đến làm thuê đủ thứ nghề, chị Hết cũng dần học hỏi được cách làm đại lý vé số. Năm 2002, khi đã tích lũy được một vốn kha khá, chị quyết định thuê căn nhà ở Quận 8, TP.HCM vừa đủ làm nơi ở và mở một đại lý vé số.
 
 
Giúp đỡ người cùng cảnh ngộ
 
Chị Hết chia sẻ, lúc đầu mới mở đại lý, chị bị nhiều người quỵt tiền, ôm vé số bỏ đi  biệt nhưng trong tâm chị cứ nghĩ chắc họ đang khó khăn nên làm vậy. "Giật chi mấy tấm vé số sao mà giàu được, tôi biết có nhiều người chỉ vì khó khăn, họ cũng muốn quay lại nhưng vì lòng tự trọng nên tránh mặt tôi", chị Hết bộc bạch.
 
Trong khi người ở quê vào Sài Gòn bán vé số dạo ngày càng nhiều, chứng kiến người không có tiền cọc vé phải bỏ đi làm việc khác hay đi bán về lang thang không có chỗ trọ. Vì vậy, chị quyết định vay mượn thêm tiền để thuê nguyên căn nhà hơn 30m2, rồi kêu gọi những người cùng quê, bán vé số về ở. 
 
“Từng bán vé số nhiều nơi rồi nhưng vì phải ở trọ thuê nên thu nhập rất ít. May mắn được chị Hết cho ở miễn phí, lại được lấy vé không cần tiền cọc, chúng tôi phấn khởi vô cùng. Có chỗ ăn; chỗ ở, chúng tôi cũng yên tâm đi bán vé số về nuôi gia đình”, chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) bộc bạch.
 
Xa chồng con gần 20 năm nay, chị Nguyễn Thị Bê, ở xã Nghĩa Dõng (huyện Tư Nghĩa) vào Sài Gòn hành nghề bán vé số dạo. Thời điểm, 2 đứa con vào học đại học, cuộc sống gia đình chị khó khăn vô cùng. Thế nhưng nhờ chị Hết mà bây giờ 2 đứa con của chị Bê đã tốt nghiệp ra trường. 
 
Chị Bê tâm sự, nhiều lúc, hai đứa gọi vô nói nộp tiền học phí, đóng trọ một lúc  gần 10 triệu đồng. "Em nghĩ đi, chị bán vé số thì ngày nào lời lắm mới được 200 nghìn đồng. May có chị Hết cho chị ứng tiền trước mới có lo học phí cho con".
 
 

 

Hơn 20 năm, căn nhà của chủ đại lý vé số Đinh Thị Duy Hết vẫn ấm áp tình người.
Hơn 20 năm, căn nhà của chủ đại lý vé số Đinh Thị Duy Hết ở phường 12, quận 8, TP.HCM vẫn luôn ấm áp tình người.

 

Không chỉ với những người bán vé số, hễ nghe tin người nào gặp khó khăn, hoạn nạn chị Hết đều tìm đến thăm hỏi và giúp đỡ. Như em Tạ Minh Dũng ( tân sinh viên trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật); là bạn học cùng con trai, gia đình thuộc diện khó khăn, không có tiền đóng học phí, ba mẹ lại lâm bệnh nặng.
 
Nghe tin, chị Hết sẵn lòng hỗ trợ, giúp Dũng có tiền đóng học phí. "Mình đi lên từ khó khăn nên thấu hiểu được sự túng thiếu là như thế nào. Cho nên mỗi khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn là tôi sẵn sàng giúp đỡ họ trong khả năng có thể. Hiện tại, tuy kinh tế chỉ đủ trang trải cuộc sống và trả tiền thuê nhà, nhưng bất cứ điều gì có thể giúp đỡ, san sẻ được thì đều cố gắng hết mình", chị Hết nhẹ nhàng tâm sự.
 
Và có lẽ cuộc sống của những người bán vé số dạo như chị Bê hay chị Hồng còn lắm gian nhưng nhưng hy vọng với nhiều tấm lòng, chủ đại lý tốt bụng như chị Hết sẽ giúp họ yên tâm kiếm tiền lo cho gia đình, nuôi các con ăn học nên người qua những tờ vé số dạo...
 
Bài, ảnh: P.TIÊN
 
 
 
 
 

.