Chăm lo đời sống cho nạn nhân da cam

03:08, 10/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có số lượng người nhiễm chất độc da cam/dioxin nhiều của cả nước. Cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, hội, đoàn thể, những nạn nhân này đã từng bước vượt qua khó khăn, tích cực tập luyện để cải thiện sức khỏe, phát triển kinh tế gia đình.

TIN LIÊN QUAN

Từ chăm sóc sức khỏe...

Dù mưa hay nắng, hằng ngày anh Trần Hùng Binh, ở xã Phổ Minh (Đức Phổ) đều đưa con đến Trung tâm Phục hồi chức năng (PHCN) Đức Phổ để tập luyện. Con của anh Binh là bé Trần Nguyễn Ngọc Huyền (7 tuổi), là nạn nhân da cam thế hệ thứ 3, bị câm điếc bẩm sinh.

Nhờ phát hiện sớm và được nhân viên trung tâm hướng dẫn, hỗ trợ tập luyện thường xuyên, nên tình trạng sức khỏe của bé Huyền tiến triển ngày càng tốt. Bé Huyền còn được hỗ trợ lắp máy trợ thính. Anh Binh phấn khởi nói: "Sau hơn một năm tập luyện, con gái tôi đã có thể hiểu được người khác nói gì thông qua các cử chỉ bằng tay. Gia đình rất vui và hy vọng cháu có thể đến trường học tập như các bạn”.

Nạn nhân nhiễm chất độc da cam được tập luyện, chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Phục hồi chức năng huyện Đức Phổ.
Nạn nhân nhiễm chất độc da cam được tập luyện, chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Phục hồi chức năng huyện Đức Phổ.


Với em Phạm Minh Trường (12 tuổi), ở xã Phổ Ninh thì bị bệnh tự kỷ và mất ngôn ngữ. Trường được gia đình đưa vào điều trị ở trung tâm từ năm 2017, đến nay em đã biết giao tiếp bằng mắt, biết tự ăn uống, vui chơi cùng các bạn.

 

“Thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh sẽ tăng cường thêm các nguồn lực để hỗ trợ, chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh, cấp các phương tiện, dụng cụ tiện ích để tăng khả năng tự lực cho những nạn nhân có sức khỏe yếu. Phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ nạn nhân tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho nạn nhân da cam”.


Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh
PHAN THANH LONG


Trong những năm qua, các trung tâm PHCN trên địa bàn tỉnh đã góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng trăm lượt nạn nhân da cam và con cháu của họ thông qua việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế, phát hiện bệnh sớm, can thiệp kịp thời các khuyết tật, giúp các nạn nhân chất độc da cam tự tin vươn lên trong cuộc sống.

...đến việc cải thiện đời sống

Anh Đặng Văn Tấn, nạn nhân da cam thế hệ thứ 2, ở thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi) thì vô cùng hạnh phúc khi được dọn về ở trong căn nhà mới khang trang. Thấu cảm với hoàn cảnh của anh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Quảng Ngãi đã hỗ trợ 25 triệu đồng để xây mới ngôi nhà. Anh Tấn vui mừng kể: “Vợ chồng tôi đều tật nguyền, nếu không được hội hỗ trợ thì gia đình tôi không biết bao giờ mới đủ tiền để xây căn nhà khang trang như thế này. Hội còn thường xuyên thăm, tặng quà cho gia đình vào các ngày lễ, qua đó động viên, giúp tôi có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống”.

 

Ngôi nhà mới của gia đình anh Đặng Văn Tấn.
Ngôi nhà mới của gia đình anh Đặng Văn Tấn.


Ông Bùi Ngọc Tụ ở thôn Thanh Bình, xã Phổ Thuận (Đức Phổ) có cha và em trai là nạn nhân da cam. Ông Tụ là một trong những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Năm 2012, từ nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, ông Tụ đã đầu tư mở rộng quy mô làm chổi đót. "Nhờ sự giúp đỡ đó mà đến nay mô hình làm chổi của gia đình tôi đã cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Qua đó đã giúp tôi đủ nguồn lực để nuôi cha, em trai và giúp nhiều lao động trong thôn có việc làm ổn định”, ông Tụ cho biết.

Từ đầu năm 2017 đến nay, tổng các nguồn lực vận động xã hội ủng hộ Quỹ Nạn nhân da cam/dioxn trên địa bàn tỉnh hơn 11 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, hội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 14 gia đình nạn nhân, với tổng trị giá 550 triệu đồng, tặng 137 con bò, 5 con trâu và hỗ trợ trên 200 suất học bổng cho học sinh là con em gia đình nạn nhân nghèo; thực hiện dự án vật lý trị liệu, trợ cấp khó khăn cho nạn nhân...


Bài, ảnh: VŨ YẾN


     



 


.