Công trình nước sinh hoạt: Hữu sinh vô dưỡng

04:07, 15/07/2018
.
 

(Baoquangngai.vn) – Ngân sách nhà nước bỏ ra hơn 400 tỷ đồng đầu tư gần 500 công trình nước sinh hoạt nông thôn. Một nghịch lý là một nửa số ấy vừa sinh đã tử, hoạt động kém hiệu quả hoặc  phải “đắp chiếu”.
TIN LIÊN QUAN
 

“Cha chung không ai khóc”

Tại xã vùng cao Sơn Ba, huyện Sơn Hà có 4 hệ thống nước sinh hoạt đều do UBND xã làm chủ đầu tư thì có đến 3 hệ thống bị hư hỏng. Hệ thống nước sinh hoạt ở thôn Làng Bung bị hư hỏng hoàn toàn buộc phải thanh lý.

Hệ thống nước sạch ở thôn Nước Tỉa thì xã phải khắc phục để có nước cho người dân sử dụng, còn hệ thống nước ở thôn sinh hoạt ở xóm Tà Cầm thuộc thôn Làng Ranh hiện nay chỉ còn sử dụng được 30% công suất.

Nguyên nhân là do ống cấp nước bị gãy, các trụ vòi bị hỏng. Đường ống nước bị hỏng do người dân cày ruộng, các phương tiện giao thông qua lại giẫm đạp làm vỡ, thậm chí không ít người dân ý thức kém đã đục khoét đường ống mang về nhà sử dụng. Cha chung không ai khóc, hư hỏng ít không được sửa chữa dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng.

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Ba Đinh Văn Cường cho biết, các công trình bị hư hỏng là do việc thiếu trách nhiệm trong quản lý vận hành từ xã đến thôn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là ý thức của người dân còn thấp.

Tại xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa), 3 tháng trước, nắng đổ lửa, cuộc sống, sinh hoạt của hơn 370 hộ dân người và các cơ quan, trường học bị đảo lộn khi công trình nước sinh hoạt đưa vào sử dụng mới hơn 1 năm đã bị cúp nước đột ngột.

 
 Công trình nước sinh hoạt Hòa Hà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) sau nhiều năm
Công trình nước sinh hoạt Hòa Hà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) sau nhiều năm "đắp chiếu" đã được sửa chữa.


Công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Nghĩa Thọ được đầu tư gần 4 tỷ đồng, bàn giao cho UBND xã Nghĩa Thọ quản lý, vận hành từ tháng 3.2017.

Công trình bị tắt nghẽn do một số van bị hư hỏng vì quá trình vận hành chưa đúng kỹ thuật, một số đoạn ống bị tắc do mắc rác. Dù đã hết hạn bảo hành, nhưng Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phải vào cuộc khắc phục.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ Phạm Vương giãi bày: “Tâm lý của người dân miền núi ỷ lại nên rất khó để thu được tiền sử dụng nước. Ngân sách nhà nước lại không cấp bù nên hư một cái van cũng không có tiền sửa chữa”.


Hữu sinh vô dưỡng


Thống kê từ Sở NN – PTNT, tính đến cuối năm 2017, số lượng công trình cấp nước nông thôn được đầu tư trên địa bàn tỉnh là 495 công trình, với tổng vốn đầu tư hơn 409 tỷ đồng.

Điều đáng nói là chỉ có 34 công trình hoạt động bền vững, 214 công trình hoạt động trung bình, có tới 107 công trình họat động kém hiệu quả và 140 công trình hiện không còn hoạt động, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng. Rất nhiều công trình vừa sinh đã tử.

Hầu hết các công trình dừng hoạt động ở các xã miền núi. Trên địa bàn miền núi hiện nay mỗi xã có từ 4 - 7 công trình nước sinh hoạt, với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên số công trình còn “sống” chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Nguyên nhân chủ yếu là do các công trình này hữu sinh mà vô dưỡng. Công trình xây dựng xong bàn giao cho địa phương quản lý, nhưng không bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng, bảo trì hoạt động.

Không thu được tiền nước từ người sử dụng, không có tiền trả chi phí quản lý, sửa chữa dẫn đến hư hỏng, dừng hoạt động. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó chính yếu nhất là do người dân có tâm lý sử dụng “chùa”, không đóng tiền, dù là vài nghìn đồng mỗi tháng.

 
 
Ở hầu hết các xã miền núi, việc thu tiền nước để bù vào chi phí quản lý, sửa chữa nhỏ rất khó thực hiện.
 
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lê Văn Minh cho biết, hiện nay các công trình nước sinh hoạt được giao các hợp tác xã nông nghiệp, Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện, UBND các xã và trưởng thôn quản lý. Trong các mô hình quản lý trên, trung tâm là đơn vị quản lý hiệu quả nhất.

Với mô hình hợp tác xã chẳng khác nào "mang con bỏ chợ" vì bộ máy quản lý cồng kềnh, không đủ năng lực để quản lý. Khi xảy ra sự cố không biết xử lý thế nào. Giao cho trưởng thôn quản lý cũng không hiệu quả do không được trả lương, công trình hư hỏng không có tiền để sửa chữa.

Theo ông Minh, Trung tâm đã tham mưu cho Sở NN - PTNT xây dựng quy chế đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác công trình cấp nước nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh.

Để các công trình phát huy hiệu quả, giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước nên phát huy và nhân rộng mô hình giao cho UBND các xã quản lý thông qua việc thành lập ban, tổ quản lý. Hằng tháng cộng đồng có trách nhiệm đóng tiền để trả công cho ban, tổ và sửa chữa nhỏ. Giá tiền mỗi hộ phải đóng là 10.000 đồng đang phát huy hiệu quả như ở xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa), các xã Sơn Nham, Sơn Cao (Sơn Hà).

Với những nơi điều kiện sống của người dân còn quá khó khăn thì hằng năm ngân sách địa phương cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và các huyện cần có kế hoạch cân đối để hỗ trợ quản lý, vận hành, khắc phục sửa chữa từ nguồn ngân sách.

 
Bài, ảnh: A.KIỀU

 

.