"Cái tâm" của chị Tâm

02:07, 08/07/2018
.

(Baoquangngai.vn)- “Có hôm, dù trời đã tối nhưng nhận được cuộc gọi của Khoa Huyết học và Truyền máu, thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Tâm vẫn tranh thủ gác lại công việc, nhờ người thân chăm sóc con cái, vội vàng vượt hàng chục cây số để kịp thời truyền máu cho người bệnh.

Nhận thấy việc làm của cô ấy có giá trị nhân văn cao, cả tôi và em trai đều tình nguyện tham gia hiến máu. Và cả nhà đã hiến được gần 40 lần”, anh Đinh Cao Sơn, 39 tuổi, ngụ ở xã Long Mai, huyện Minh Long, chia sẻ về vợ mình- chị Lê Thanh Tâm, 38 tuổi.

TIN LIÊN QUAN

“Món nợ” cuộc đời

Chị Tâm quê ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Là con thứ trong một gia đình có năm người con. Cuộc sống của chị yên ả trong suốt những năm tháng ấu thơ. Biến cố xảy ra khi cha chị mắc phải căn bệnh ung thư bao tử.

Năm đó, chị chưa đầy 18 tuổi. Gia đình dần khánh kiệt, sức khỏe cha ngày suy giảm. Một ngày nọ, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thông báo cha chị cần một lượng máu lớn để điều trị, phẫu thuật. Bằng không, tính mạng bị đe dọa.

Nhìn người đàn ông trụ cột của gia đình “sống dở, chết dở”, cả nhà chị Tâm cuống cuồng cả lên. Mấy chị em xin bác sĩ thử máu và truyền cho cha. Nhưng buồn thay, lượng máu cung cấp không đủ, cần phải vận động thêm.

Qua cầu nối của bệnh viện, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, bốn tình nguyện viên trẻ có mặt kịp thời tại bệnh viện. Máu được truyền đi trong cơ thể, sức khỏe cha chị ngày một tốt hơn. Tuy nhiên vì bệnh quá nặng, một thời gian sau ông qua đời.

 

Chị Lê Thanh Tâm đại diện gia đình vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện.
Chị Lê Thanh Tâm đại diện gia đình vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện.

 

Thế nhưng, từ khoảnh khắc gia đình nhận được những giọt máu đỏ từ “người dưng” ngoài xã hội, chị và cả nhà có nguyện vọng cho lại những giọt máu mà chính cha chị đã tạo nên, như một cách để trả ơn, để ông mãn nguyện nơi chín suối.

“Nếu năm đó, cha không được truyền máu kịp thời, có lẽ ông đã ra đi đột ngột và chị em chúng tôi không có thêm khoảng thời gian để chăm sóc cho ông những năm tháng cuối đời. Kể từ đó, cả năm chị em đều tham gia hiến máu tình nguyện”, chị Tâm bồi hồi kể lại.

Gia đình “sứ giả đỏ” người H'rê

Đến bây giờ, chị Tâm vẫn luôn nhớ về cái lần đầu tiên mình hiến máu vào năm 19 tuổi với nhiều kỉ niệm đẹp. Lần đó, chị háo hức trong tâm thế sẵn sàng. Tuy nhiên, vừa leo lên bàn cân, bác sĩ không cho hiến vì trọng lượng cơ thể chưa đủ 40kg.

“Lúc đó tôi buồn và hụt hẫng vô cùng. Vừa ra khỏi phòng, tôi đã khóc vì tấm lòng của mình không được đón nhận. Thế nhưng, may mắn thay, khoảng một tiếng đồng hồ sau, bác sĩ thông báo vì chỉ tiêu máu không đủ nên mời vô kiểm tra sức khỏe lại lần nữa và được phép hiến máu. Tôi vỡ òa trong hạnh phúc khi mình vừa làm được việc ý nghĩa”, chị Tâm chia sẻ.

Lần đầu tiên hiến máu và vượt qua điều mà nhiều người dè chừng khi họ cho rằng, hiến máu là mất máu và sức khỏe sẽ trở nên yếu ớt. Theo chị, việc hiến máu diễn ra bình thường như chích một liều thuốc, như kiến cắn ở tay. Và khi chị đã hiến được một lần, lại càng muốn hiến thêm nhiều lần nữa. Lần thứ 2, thứ 3, thứ 4... chị nhận thấy sức khỏe tốt hơn, cơ thể như được thanh lọc.

“Hiến máu rất đơn giản mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Điều quan trọng nhất là người bệnh phải biết chăm lo đến sức khỏe trước khi hiến để có một lượng máu an toàn, đảm bảo cung cấp cho người bệnh. Bạn cũng cần phải hạn chế làm việc nặng sau khi hiến”, chị Tâm nói.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, chị kết hôn cùng anh Đinh Cao Sơn, ở huyện Minh Long, người bạn học cùng trường và chấp nhận theo anh về quê để lập nghiệp vào năm 2012.

Làm dâu ở một vùng đất mới lạ, dù chật vật với cuộc sống mưu sinh, con cái nhưng chị không quên “món nợ” của cuộc đời mình. Chị lặng lẽ tham gia hiến máu tình nguyện bất cứ khi nào có người cần. Theo qui định, trung bình đối với nam giới được hiến bốn lần, còn nữ giới là ba lần trong năm. Thế nhưng, với tinh thần tình nguyện vì cộng đồng, có năm chị hiến đến bốn lần.

 

Chị Tâm (áo đỏ) cùng chồng ngoài cùng bên trái được ví như những
Nhận thấy hiến máu tình nguyện của chị Tâm là việc làm ý nghĩa, đến nay cả chồng chị Tâm (áo xám, ngoài cùng bên trái) và người em trai đều tình nguyện tham gia hiến máu. Đến nay, cả nhà đã cùng nhau hiến gần 40 lần máu.

 

Còn nhớ, cách đây không lâu, ở Khoa Huyết học và Truyền máu- Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 2 người bệnh. Một thanh niên 26 tuổi thiếu tiểu cầu và máu nghiêm trọng do bị tai nạn và một đứa trẻ người đồng bào 6 tuổi đang cần được truyền nhóm máu tương thích với chị B(RH+) mới duy trì được sự sống.

Anh Sơn cho hay, hôm đó dù trời đã tối nhưng vừa nhận được cuộc gọi của cán bộ y tế, Tâm liền tranh thủ gác lại công việc, bảo tôi chăm sóc con cái, vội vàng vượt hàng chục cây số để kịp thời hiến máu cho người bệnh và trở về nhà trong khuya vắng, lạnh lẽo. Tâm là như vậy, khi có ai cần máu, cô ấy đều tranh thủ vì trân trọng từng giây mong đợi sự sống của bệnh nhân.

Xác định hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm của công dân với cộng đồng xã hội, bởi vậy, kể từ lần hiến máu đầu tiên, đến nay chị đã có “bảng thành tích” với 24 lần hiến máu.

Chị là cái tên quen thuộc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Minh Long, các phong trào hiến máu tình nguyện do trung ương, địa phương và các hội, đoàn thể phát động. Bây giờ nhiều cán bộ y tế vẫn thường hay gọi điện thoại lên dặn dò chị Tâm giữ gìn sức khỏe, không được hiến đại trà vì nhóm máu BRH+ là một nhóm máu quí hiếm.

Ở vùng quê nghèo này, người thân, chòm xóm cũng hết sức cảm phục trước tấm lòng nhân ái của chị. Nhận thấy hiến máu tình nguyện của chị Tâm là việc làm ý nghĩa, đến nay cả chồng chị và người em trai đều tham gia hiến máu với khoảng 15 lần. Như vậy, cả nhà đã cùng nhau hiến máu gần 40 lần.

Không chỉ làm tấm gương đi đầu trong gia đình, chị cùng Hội Chữ thập đỏ ở địa phương thường xuyên vận động bà con cùng tham gia hiến máu tình nguyện và nhiều người đã hăng hái hành động theo chị. Có thể kế đến những tấm gương điển hình như gia đình chị Lê Thị Ngoan, 40 tuổi, chị Lê Thị Thạnh, 38 tuổi, ngụ cùng xã.

“Minh Long là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Đặc thù địa phương dân số ít, tình trạng hiểu biết còn hạn chế. Vì thế công tác tuyên truyền, vận động hiến máu, cứu người gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm liên tục tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, chị Tâm đã trở thành tấm gương sáng ở huyện vùng cao để nhiều người tự nguyện hành động theo. Các thành viên trong gia đình chị được ví như những “sứ giả đỏ” của địa phương”, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Minh Long Huỳnh Tấn Cường đánh giá về chị.

Với những đóng góp của mình, suốt những năm qua, chị Tâm liên tục được Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh Quảng Ngãi trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có  thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện.

Mới đây, gia đình chị vinh dự được tôn vinh là một trong 13 gia đình tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh Quảng Ngãi, năm 2018.

Bài, ảnh: Gia Nghi


 


.