Ấm áp bữa cơm gia đình

07:06, 28/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ xưa đến nay, bữa cơm gia đình trong văn hóa người Việt luôn mang những giá trị tinh thần rất lớn. Bởi ở đó, mỗi người có thể cảm nhận được sâu sắc những khoảnh khắc sum họp, tình yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau và là sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong gia đình.

TIN LIÊN QUAN

Liên tiếp những năm gần đây, Bộ VH-TT&DL đã chọn chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhằm tiếp tục nêu cao giá trị của những phút giây sum họp bên bữa cơm gia đình. Từ đó giáo dục trách nhiệm của mỗi thành viên trong xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

Gắn kết các thành viên

Vừa làm nông, vừa buôn bán nông sản, hai vợ chồng anh Phan Việt Hùng, ở thôn Đông Thuận, xã Bình Trung (Bình Sơn) luôn tất bật với công việc. Thế nhưng gần 20 năm kết hôn, anh chị luôn cố gắng duy trì bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Anh Hùng chia sẻ: "Bữa cơm hằng ngày không chỉ cung cấp năng lượng để làm việc, mà khi các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên mâm cơm sẽ giúp gắn kết tình cảm, qua đó các thành viên hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn trong cuộc sống. Đối với gia đình tôi, vợ chồng đi làm, hai cô con gái thì đi học suốt, chỉ có bữa cơm mới là nơi tâm tình, chia sẻ với nhau nhiều nhất, nên dù bận mấy vợ chồng cũng sắp xếp về ăn cơm với các con".

Các thành viên trong gia đình anh Phan Việt Hùng ở xã Bình Trung (Bình Sơn) quây quầy bên mâm cơm.
Các thành viên trong gia đình anh Phan Việt Hùng ở xã Bình Trung (Bình Sơn) quây quầy bên mâm cơm.


Chính nhờ sự yêu thương, nền tảng vững chắc từ gia đình đã tiếp thêm sức mạnh, tinh thần vượt khó cho các con của anh Hùng. Dù gia đình không giàu có, nhưng hai cô con gái của anh Hùng luôn là học sinh giỏi nhiều năm liền, đạt nhiều giải cao trong Hội khỏe Phù Đổng tỉnh và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc...  Cháu Phan Thị Ly Ly, học sinh lớp 12, trường THPT Bình Sơn – con gái đầu của anh Hùng chia sẻ: "Sau mỗi giờ học, hai chị em đều phụ bà, giúp ba mẹ đi chợ, nấu cơm, làm việc nhà. Thấy ba mẹ làm việc vất vả nên cháu và em luôn cố gắng học tập để mang niềm vui đến với gia đình".

Cũng như nhiều gia đình trẻ hiện nay, gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, ở thôn 3, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) cũng có công việc riêng. Thế nhưng, vì hiểu rõ ý nghĩa của bữa cơm gia đình nên chị Duyên luôn cố gắng sắp xếp để duy trì ít nhất một bữa ăn có đầy đủ các thành viên. Chị Duyên cho hay: "Nấu một bữa cơm ngon cho gia đình là niềm hạnh phúc, thể hiện tình yêu thương đối với con, với chồng. Vì thế, vào những ngày nghỉ, tôi luôn dành thời gian chế biến món ăn mà chồng, con thích; đồng thời dạy con gái nấu những món ăn truyền thống, nhằm tạo sự gắn kết, quan tâm giữa các thành viên trong gia đình”.

Vun đắp hạnh phúc

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy công việc khiến bếp ăn của gia đình không còn “đỏ lửa”, nếp sống gia đình truyền thống bị phá vỡ, bữa ăn gia đình vì thế mà cũng thiếu vắng các thành viên. Nhiều gia đình, đặc biệt là ở thành thị có tình trạng cả tuần chẳng có bữa cơm nào đông đủ các thành viên. Không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà bị ảnh hưởng, tình cảm gắn kết, sự quan tâm của ông bà, cha mẹ đối với con cái ngày càng bị hạn chế, dẫn đến nhiều hệ lụy... Chính vì thế, việc duy trì bữa cơm gia đình để giữ gìn không khí ấm áp, yêu thương là hết sức quan trọng.

Để có được sự đầm ấm cho mỗi bữa cơm, từng thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm, như ông bà xưa đã nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ trong việc giữ gìn hạnh phúc, kết nối yêu thương. Sự hấp dẫn của bữa cơm gia đình khi đó sẽ không chỉ còn là ăn món gì, chất lượng ra sao, mà đó là không khí sum họp, quây quần.

Theo ông Phạm Minh Đát - Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL), bữa cơm là gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình. Việc duy trì bữa cơm sum vầy sau một ngày làm việc mệt mỏi trong mỗi gia đình hiện đại ngày nay là điều cần thiết và là một nét văn hóa truyền thống rất cần được gìn giữ, phát huy. Mỗi thành viên trong gia đình cần phải có trách nhiệm trong từng bữa cơm để cùng chung tay vun đắp, gìn giữ tổ ấm của mình, để gia đình mãi là điểm tựa vững chắc cho mỗi con người và là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Nhiều hoạt động chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam

Trong tháng 6, các huyện, thành phố tổ chức nhiều buổi tọa đàm, diễn văn nghệ, gặp mặt các gia đình tiêu biểu và tuyên truyền Ngày Gia đình Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng tổ chức tuyên truyền, phát động trong cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, phụ nữ hưởng ứng “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” cùng người thân trong gia đình trong khung giờ từ 17 - 19 giờ, ngày 28.6.2018.

 


Bài, ảnh: HIỀN THU




 


.